Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Điểm lại những dự án đình đám tại Thanh Hóa của Công ty Sông Mã

Phạm Thị Tâm

Ngoài Dự án Hạc Thành Tower khiến hàng loạt lãnh đạo, quan chức Thanh Hóa bị kỷ luật, Công ty Sông Mã còn sở hữu nhiều dự án đình đám tại xứ Thanh.

diem-lai-nhung-du-an-dinh-dam-tai-thanh-hoa-cua-cong-ty-song-ma-antt-1692002492.PNG
Trụ sở Công ty Sông Mã. Ảnh: Báo Thanh tra

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower (số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa), chiều 13/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã tiến hành công bố Quyết định khởi tố bị can và thi hành Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với các ông Nguyễn Mạnh Sơn (SN 1958), ở phường Trường Thi, TP.Thanh Hóa, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Sông Mã (Công ty Sông Mã).

Đồng thời khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh Xuân Hướng (SN 1970), Bí thư Huyện ủy huyện Như Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Sông Mã về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" quy định tại khoản 3, điều 219 Bộ luật hình sự.

Trong thời gian giữ vai trò lãnh đạo Công ty Sông Mã, khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, các ông Nguyễn Mạnh Sơn và Đinh Xuân Hướng đã đồng ý cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân khi chưa đủ điều kiện.

Ông Sơn và ông Hướng cũng không đề nghị xác định giá trị quyền sử dụng đất khi được giao đất đối với khu đất thực hiện dự án Hạc Thành Tower để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; gây thất thoát số tiền gần 56 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Về dự án Hạc Thành Tower, năm 1993, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển giao quỹ nhà ở với tổng diện tích hơn 7.400m2 cho Công ty kinh doanh nhà Thanh Hóa quản lý. Đến năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty Sông Mã để triển khai dự án đầu tư và khai thác với phần diện tích hơn 2.700 m2. Theo thỏa thuận, tổng số tiền mà doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách là gần 57 tỷ đồng.

Đến năm 2013, dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh, nâng diện tích từ hơn 2.700m2 lên hơn 2.900m2 nhưng tiền sử dụng đất Công ty Sông Mã phải nộp lại giảm từ gần 57 tỷ đồng xuống hơn 48 tỷ đồng.

Năm 2013, Công ty Sông Mã hoàn tất điều chỉnh mặt bằng quy hoạch và được bàn giao đất thực địa 1 năm sau đó.

Tuy nhiên, từ năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý cho Công ty Sông Mã chuyển quyền sử dụng đất đối với khu đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp 15 tầng Hạc Thành Tower cho Công ty TNHH Huy Hoàng (chủ đầu tư cấp 2).

Trong các năm 2014, 2015, 2016, chủ đầu tư là Công ty Sông Mã, Công ty TNHH Huy Hoàng (chủ đầu tư cấp II) nhiều lần có các văn bản xin được điều chỉnh công trình, mặt bằng quy hoạch.

Tháng 5/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn đã ký giấy phép quy hoạch cấp cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sông Mã để xây dựng Tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp thuộc Dự án Hạc Thành Tower.

Ngoài Hạc Thành Tower, Công ty Sông Mã còn sở hữu nhiều dự án "đình đám" tại Thanh Hóa. Trong đó, có thể kể đến Dự án Trung tâm thương mại Bờ Hồ. Dự án được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư từ năm 2005. Đến tháng 3/2008, dự án đã thi công xong phần móng, phần thô tầng hầm và tầng 1, nhưng sau đó tạm dừng. Đến năm 2010, Dự án này đổi chủ sang CTCP đầu tư trung tâm thương mại Bờ Hồ.

Mối "duyên" giữa Công ty Sông Mã và CTCP đầu tư trung tâm thương mại Bờ Hồ còn được thể hiện ở Dự án Khu đô thị Núi Long tại TP.Thanh Hóa. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt theo quyết định số 4089/QĐ-UBND ngày 21/10/2016; tổng diện tích là 56ha.

Dự án do liên doanh Công ty Sông Mã, CTCP Đông Sơn, CTCP đầu tư Trung tâm Thương mại Bờ Hồ (gọi tắt liên danh Sông Mã) làm chủ đầu tư với tổng tiền hơn 1.126 tỷ đồng.

Tháng 4/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định về việc quy định khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để ngừoi dân tự xây dựng nhà ở tại dự án này kết hợp với khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường vành đai Đông - Tây, TP.Thanh Hóa.

Ngoài những dự án kể trên, Công ty Sông Mã vướng "ồn ào" liên quan đến việc thu hồi hơn 1.182 m2 đất giữa trung tâm TP.Thanh Hóa.

Cụ thể, năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định thu hồi 1.182 m2 đất của Công ty Sông Mã tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hoá để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hoá quản lý. Lý do thu hồi là đất được Nhà nước cho thuê có thời hạn nhưng không gia hạn.

Đây là khu đất được UBND tỉnh Thanh Hoá cho thuê tại Quyết định số 2732 ngày 22/11/1999. Khu đất có vị trí, ranh giới được xác định tại thửa đất số 208, tờ bản đồ số 04, bản đồ địa chính phường Ngọc Trạo tỷ lệ 1/500, đo vẽ năm 1993.

Sau khi có quyết định thu hồi, đại diện phía công ty có kiến nghị xin tiếp tục được thuê khu đất trên. Phía UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vị trí khu đất Cty Sông Mã đề xuất gia hạn thuê đất không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; không phù hợp với quy hoạch Khu Dân cư, chợ và dịch vụ tổng hợp Tân An… Vì vậy, việc Công ty Sông Mã xin thuê khu đất là không có cơ sở giải quyết.

Công ty CP Sông Mã tiền thân là Công ty TNHH MTV Sông Mã, là doanh nghiệp nhà nước. Năm 2008, tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2036 về việc thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty này.

Năm 2013, Công ty Sông Mã cổ phần hóa. Theo phương án cổ phần hóa do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khi đó là Nguyễn Đình Xứng ký, Công ty Sông Mã có vốn điều lệ 35 tỷ đồng tương ứng với 3.500.000 cổ phần phát hành với mệnh giá 10.000 đồng. Trong đó, nhà nước sẽ giữ 395.000 cổ phần (11,29% vốn), cổ phần ưu đãi cho người lao động là 42.200 cổ phần (1,29%), cổ phần bán ra bên ngoài là 3.062.800 cổ phần (87,51% vốn).

Tháng 12/2021, Công ty Sông Mã tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Ông Lê Văn Tám là Tổng Giám đốc, Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Bạch Hiền (t/h)