Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Điểm mặt loạt doanh nghiệp địa ốc báo lỗ đậm trong năm 2023

Hà Thị Lưu Luyến

Trong khi nhiều doanh nghiệp may mắn vẫn có lãi thì cũng không ít công ty địa ốc kinh doanh thua lỗ trong năm 2023, thậm chí là thua lỗ nhiều năm liền.

Lỗ đậm hơn hậu kiểm toán

Công ty CP Đầu tư LDG (mã: LDG) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2023 với việc lỗ ròng thêm 153 tỷ đồng và bị đơn vị kiểm toán nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến Khu dân cư Tân Thịnh và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Khánh Hưng.

Cụ thể, sau kiểm toán, LDG lỗ ròng hơn 527 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán và chi phí quản lý lần lượt tăng 41% và 222% so với báo cáo tự lập, lên 80 tỷ đồng và 248 tỷ đồng.

diem-mat-loat-doanh-nghiep-dia-oc-bao-lo-dam-trong-nam-2023-1712545104.PNG
 

Trong phần giải trình, LDG cho biết đơn vị kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo tài chính quý IV/2023 mà LDG công bố trước đó.

Một trường hợp tương tự là CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã TDH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với doanh thu thuần 120,4 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 62 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Trong khi đó, năm 2022 công ty có lãi gần 5 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ để chi trả các loại chi phí trong năm 2023.

Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch sau kiểm toán là vì chi phí tài chính tăng 27% so với báo cáo tự lập, do trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư; chi phí quản lý tăng 4% do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và chi phí dịch vụ mua ngoài. Cùng với đó, khoản lãi khác gần 5 tỷ đồng chuyển thành lỗ khác gần 1 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thu nhập khác từ hoạt động thanh lý tài sản, đồng thời ghi nhận tăng chi phí khác của dự án đã hoàn thành.

Hay như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HoSE) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với doanh thu thuần 300 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với báo cáo tự lập đồng thời giảm tới 88% so với năm 2022.

Dù có doanh thu tài chính đột biến nhờ lãi tiền gửi ngân hàng nhưng với tổng chi phí neo cao trong khi doanh thu giảm đáng kể khiến TDC lỗ ròng 366 tỷ đồng trong năm 2023.

Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của TDC là âm 402 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Trong khi đó, năm 2022, công ty vẫn lãi ròng 17,5 tỷ đồng.

Với việc lỗ kỷ lục trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, TDC ghi nhận lỗ luỹ kế 367,17 tỷ đồng (đầu kỳ lãi luỹ kế 38,9 tỷ đồng). Ngoài ra, kiểm toán còn lưu ý về khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.

Bi đát hơn là trường hợp của TCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC, mã: VCR, sàn UPCoM) vừa có lãi trở lại trong năm 2022 lại báo lỗ năm 2023. Theo đó, chủ đầu tư Cát Bà Amatina ở Hải Phòng lỗ kỷ lục trong năm 2023 ở mức 287 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này đã có chuỗi 5 năm lỗ liên tiếp từ 2017-2021.

diem-mat-loat-doanh-nghiep-dia-oc-bao-lo-dam-trong-nam-2023-2-1712545104.png
Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina. Nguồn: VCG

Không chỉ thua lỗ, VCR sẽ phải hoàn trả lại công ty mẹ - Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) số tiền 2.200 tỷ đồng. Nguyên nhân là công ty mẹ chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư một phân khu trong dự án Cát Bà Amatina.

Lỗ nhiều năm liền

Không chỉ các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán mà nhiều công ty địa ốc chưa niêm yết cũng báo lỗ đậm. Điển hình là CTCP Signo Land báo lỗ sau thuế gần 167 tỷ đồng trong năm 2023, trước đó năm 2022 cũng lỗ gần 163 tỷ đồng. Hệ quả là mức lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 là hơn 325 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 75 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Signo Land vào cuối năm 2023 tăng 19% so với đầu năm, lên gần 1.105 tỷ đồng. Còn nợ phải trả tăng gần 39% lên 1.180 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu chiếm gần 1.052 tỷ đồng.

Cũng lỗ năm thứ hai liên tiếp là CTCP Phát triển Đất Việt với lợi nhuận sau thuế năm 2023 âm gần 80 tỷ đồng, giảm đáng kể so với khoản lỗ gần 298 tỷ đồng của năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, Phát triển Đất Việt còn 4.648 tỷ đồng tổng nợ phải trả, gấp 1,15 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, dư nợ trái phiếu còn 1.213 tỷ đồng, tương đương 0,3 lần vốn chủ.

Thậm chí, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản LC còn lỗ ba năm liên tiếp. Cụ thể, công ty báo lỗ sau thuế hơn 225 tỷ đồng trong năm 2023 và lỗ lần lượt hơn 66 tỷ đồng và gần 146 tỷ đồng trong năm 2021-2022.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng nợ phải trả xấp xỉ 6.900 tỷ đồng, tăng hơn 33%. Điểm tích cực là đã xóa sạch dư nợ trái phiếu.

Trong khi đó, CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Ngôi Sao Phương Nam, doanh nghiệp mới có năm đầu tiên phát hành trái phiếu cũng báo lỗ. Theo đó, Ngôi Sao Phương Nam cho biết lỗ gần 751 tỷ đồng trong năm 2023, dù năm trước vẫn còn lãi gần 5 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng rất nhanh lên hơn 11.300 tỷ đồng vào cuối năm 2023 dù đầu năm chỉ hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là nợ trái phiếu với gần 9.400 tỷ đồng.

Hà Ly