Diễn biến mới về các dự án liên quan đến bô xít tại Đắk Nông của Việt Phương, Đức Giang, TH và Khai khoáng Việt Nam

Tại Đắk Nông, nhiều Tập đoàn lớn đã đề xuất đầu tư các dự án bô-xít tại Việt Nam với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD.

Theo Báo Đắk Nông, tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra hồi tháng 4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên thông tin, có 4 nhà đầu tư lớn đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương thực hiện đầu tư các dự án liên quan đến bô xít tại Đắk Nông. Bao gồm:

Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Phương đề xuất chủ trương thực hiện tổ hợp dự án bô xít – alumin – nhôm tại cụm alumin Đắk Nông 2, có tổng diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đề xuất đầu tư tổ hợp dự án bô xít – alumin – nhôm tại cụm alumin Đắk Nông 4. Quy mô khai thác dự án này dự kiến khoảng 14,4 triệu tấn quặng bauxit/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư của cả hai giai đoạn là 57.000 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD).

Công ty Cổ phần Tập đoàn TH đề xuất triển khai tổ hợp dự án bô xít – alumin – nhôm tại cụm alumin Đắk Nông 3.

Và Công ty TNHH Khai khoáng Việt Nam đề xuất đầu tư dự án khai thác, sản xuất alumin tại cụm alumin Đắk Nông 2.

Thông tin tại Hội nghị cho biết, trong quá trình xử lý đề xuất của các nhà đầu tư, tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan. Đó là về thẩm quyền quyết định đầu tư, về quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà máy, về lựa chọn vị trí đặt nhà máy (trong hay ngoài phạm vi các vùng quy hoạch bô xít)…

Trước những khó khăn đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có các văn bản kiến nghị các bộ liên quan để xem xét, hướng dẫn thủ tục triển khai các dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin trên địa bàn tỉnh.

Các nội dung đề xuất tập trung về: Đối tượng các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án khai thác quặng bô xít trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tổ hợp nhà máy tuyển quặng bô xít – alumin – nhôm theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu.

Một số vấn đề mà tỉnh chưa xác định được như: các loại đất có thể quy hoạch để xây dựng các dự án tổ hợp nhà máy tuyển quặng bô xít - alumin – nhôm (đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản hay đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 152, Luật Đất đai năm 2013).

Theo báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hiện tại tổng trữ lượng quặng bô xít thế giới được ghi nhận là 31 tỷ tấn, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai với 5,8 tỷ tấn.

Hiện nay, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước (trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn). Đây cũng là tỉnh có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á.

Bô xít là một loại quặng nhôm, từ bô xít có thể tách ra alumin – nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân. Do đó, bô xít được xem là nguồn tài nguyên lớn và là cơ sở để ngành công nghiệp nhôm phát triển lâu dài.

Diễn biến mới về các dự án liên quan đến bô xít tại Đắk Nông của Việt Phương, Đức Giang, TH và Khai khoáng Việt Nam- Ảnh 1.

Tại Đắk Nông, bên cạnh 4 doanh nghiệp kể trên, nhiều Tập đoàn lớn cũng đã đề xuất đầu tư các dự án bô-xít tại Việt Nam với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD.

Như CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) vào cuối năm ngoái đã có văn bản báo cáo kết quả nghiên cứu dự án Tổ hợp Kinh tế tuần hoàn Thaco. Tổ hợp này được quy hoạch để hình thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng bô-xít đến chế biến alumin, nhôm, hoàn thổ phục hồi môi trường, trồng cây nông nghiệp, nhà máy chế biến nông sản, nhà máy phụ trợ, du lịch sinh thái...

Tổng mức đầu tư sơ bộ cho toàn bộ dự án là khoảng 103.024 tỷ đồng (hơn 4,2 tỷ USD), với 30% từ vốn chủ sở hữu (khoảng 31.000 tỷ đồng) và 70% đến từ nguồn vốn vay. Trong tổ hợp kinh tế tuần hoàn này, Nhà máy alumin Lâm Đồng 2 là dự án thuộc địa bàn các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô-xít và chế biến alumin có công suất khoảng 4 triệu tấn/năm.

Tập đoàn Hòa Phát đề xuất khảo sát đầu tư các dự án của tập đoàn gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin /năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Hoà Phát đã nghiên cứu, khảo sát và có kế hoạch triển khai Dự án Alumin - Nhôm - Điện gió Hòa Phát gồm cụm dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn/năm) và nhà máy tuyển quặng (công suất 5 triệu tấn/5), dự án điện phân nhôm (công suất 500.000 tấn/năm), dự án điện gió (công suất 1.500MW) với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ USD. 

CTCP Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư dự án điện phân Nhôm quy mô 2.000ha tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Với chức năng khu công nghiệp liên hoàn (từ quặng thô đến thành phẩm đầu cuối là sản phẩm tiêu dùng cho ngành công nghiệp xây dựng, tiêu thụ dân dụng), dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ bauxite, sản xuất alumina, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng.

Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT