Đỉnh cao như Trung Quốc: Làm 'Hi-Phone' trong chớp mắt với giá chỉ 20 USD, 1 công ty vài nhân viên lo từ phần cứng, phần mềm tới sản xuất

Trung Quốc cho rằng sao chép là một phần của quá trình "học hỏi".

Linh kiện điện tử, điện thoại và nhiều sản phẩm khác nữa từ lâu đã được bán ở chợ Huaqiangbei, Thâm Quyến, Trung Quốc. Đây từng được xem là "thước đo tốc độ phát triển" của đại lục nhờ nguồn cung cấp linh kiện dồi dào, song thú vị nhất là đa số các sản phẩm được trưng bày tại Huaqiangbei đều là hàng nhái.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc iPhone giá rẻ và tai nghe Beats by Dre nhái ngay cả trước khi chúng ra mắt thị trường. Các chủ buôn quan niệm rằng hàng nhái không hẳn là điều gì đó quá xấu xa và sao chép cũng là một cách chia sẻ kiến thức.

"Làm nhái sản phẩm chỉ là một phần của quá trình học hỏi và cải thiện", Jack Xie, Giám đốc Tiếp thị và Tư vấn IP tại công ty Sở hữu trí tuệ Borsam có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết. Dĩ nhiên, sau quá trình "học hỏi" này, Trung Quốc cũng có những "cải thiện" và sáng tạo riêng.

Tuy nhiên, do những năm gần đây Thâm Quyến cố gắng loại bỏ "danh tiếng" không mấy tốt lành, chính quyền thành phố quyết định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đó là lý do vì sao một trong những trung tâm thương mại nhiều tầng của Huaqiangbei bị đóng cửa để phá hủy vào năm 2019.

Quay trở lại hồi năm 2009 - thời điểm Thâm Quyến bạt ngàn các dòng điện thoại trông y hệt iPhone của Apple được các tiểu thương vui tính gọi là Hi-Phone. Tại đây, bất cứ thương hiệu di động lớn nào, từ Nokia, Motorola đến Samsung... đều được sản xuất bắt chước giống hệt.

"5 năm trước, không có điện thoại nhái ở đây đâu", Xiong Ting, quản lý tại Triquint Semiconductor, một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện thoại nói. "Khi đó bạn cần có nhà xưởng, nhiều lập trình viên và một mẫu thiết kế phần cứng. Tuy nhiên hiện nay, chỉ cần 1 công ty với vài nhân viên cũng có thể làm được điện thoại".

Sự phát triển của công nghệ đã cho phép hàng loạt công ty nhỏ ở Thâm Quyến, một số thậm chí chỉ có khoảng 10 nhân viên, đã có thể sản xuất ra cái họ gọi là shanzhai - tiếng địa phương dùng để chỉ điện thoại di động tại chợ đen và có giá siêu rẻ, chỉ khoảng 20 USD lúc bấy giờ.

Song song với sự chuyển mình của các công ty nội địa, ngành công nghiệp hàng nhái từng chiếm giữ thị phần đáng kể từ tay các hãng chế tạo điện thoại tên tuổi. Trong năm 2009, điện thoại shanzhai chiếm tới hơn 20% doanh số bán ở Trung Quốc chỉ sau vài năm có mặt trên thị trường.

Đỉnh cao như Trung Quốc: Làm 'Hi-Phone' trong chớp mắt với giá chỉ 20 USD, 1 công ty vài nhân viên lo từ phần cứng, phần mềm tới sản xuất- Ảnh 1.

"Thị trường điện thoại shanzhai phát triển một cách đáng kinh ngạc", Wang Jiping, nhà nghiên cứu cao cấp của IDC, chuyên theo dõi các xu hướng công nghệ, nói. "Họ bắt chước mẫu mã của tất cả các thương hiệu, miễn là khách hàng thích. Họ luôn đáp ứng một cách nhạy bén nhu cầu của thị trường".

Tuy nhiên, sự bành trướng của những chiếc điện thoại nhái giá rẻ khiến nhiều thương hiệu di động hàng đầu quan ngại, sau đó gây sức ép buộc chính phủ Trung Quốc có các biện pháp trấn áp. Bản thân các hãng sản xuất điện thoại tại Trung Quốc cũng đau đầu vì mất thị phần vào tay thế giới điện thoại nhái - thứ có lợi thế cạnh tranh hoàn toàn về kinh phí sản xuất.

"Chúng tôi thiệt hại nghiêm trọng trước shanzhai. Chẳng hạn, chúng tôi phải trả 17% thuế VAT, trong khi bọn họ không mất đồng nào", Chen Zhao, Giám đốc công ty điện thoại Konka, nói, đồng thời bày tỏ quan ngại khi điện thoại nhái được quảng cáo hoành tráng, lăng xê nhiệt tình.

"Giá chỉ bằng ⅕ nhưng mẫu mã y hệt. Hãy mua điện thoại shanzhai để chứng minh tình yêu quê hương của bạn", Chen Zhao nhớ lại một đoạn quảng cáo mình từng xem.

Nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, một số chuyên gia cho rằng shanzhai là một hiện tượng xã hội, phản ánh nhu cầu sáng tạo theo phong cách của người Trung Quốc.

"Những công ty quy mô nhỏ thực ra rất sáng tạo", giáo sư Yu Zhou ở đại học Vassar (Mỹ) nhận xét. "Hãy nhìn cách họ thiết lập cả một mạng lưới kinh doanh sản xuất và phản ứng nhanh chóng với các xu hướng mới. Về kỹ thuật, điện thoại của họ giống hệt với các thương hiệu lớn".

Trung Quốc nhiều năm qua đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc của các sản phẩm, dịch vụ 'Made in China'. Nhiều nhà sáng lập, giám đốc điều hành cũng được biết đến với danh hiệu người mang "hơi hướng nước ngoài" về đại lục để tạo ra các sản phẩm "cây nhà lá vườn" phục vụ người tiêu dùng. Wang Xing, nhà sáng lập ứng dụng giao đồ ăn Meituan của Trung Quốc, là một ví dụ.

Được biết, người đàn ông này đã tạo dựng thành công tới 3 startup hoạt động trong 3 lĩnh vực khác nhau trước khi nó trở nên thịnh hành, chỉ nhờ bắt chước mô hình của công ty Mỹ. Trong bài phỏng vấn hồi năm 2022 với tờ Caijing, Xang cho biết ông không hối tiếc bất kỳ điều gì, 'quan trọng là sao chép thông minh'.

Có thể cách tiếp cận của Xing không được hoan nghênh, song sáng tạo không phải lúc nào cũng là yếu tố tạo nên thành công. Biết cách và thời điểm nên sao chép mới là yếu tố quan trọng. Thực tế, ông đã nhiều lần chứng minh rằng mình có kỹ năng sao chép tốt hơn hầu hết những người khác trong giới kinh doanh.

"Hãy cứ coi thường nếu bạn muốn như vậy. Tôi chẳng quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải coi thường tôi - người đã tạo ra hàng loạt công ty khởi nghiệp thành công tại Trung Quốc và cung cấp cho khách hàng một website mua chung thú vị hơn bất kỳ công ty nào khác?", Xing tự tin.

Theo: Tech in Asia, CNBC

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT