DN hiếm hoi trên sàn sản xuất cầu lông, vốn nghìn tỷ nhưng lãi “tí hon”, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc

Nhiều người chơi cầu lông biết tới thương hiệu cầu lông Tiến Bộ nhưng không phải ai cũng biết rằng, đây thực ra là một mảng kinh doanh trái miếng của một doanh nghiệp BĐS có vốn nghìn tỷ.

Doanh nghiệp BĐS sản xuất cầu lông Tiến Bộ

Quả cầu lông mang thương hiệu Tiến Bộ có giai đoạn được sử dụng nhiều trên các sân cầu lông là sản phẩm của Công ty cổ phần tập đoàn Tiến Bộ (mã chứng khoán : TTB) có trụ sở tại phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2015, cổ phiếu của tập đoàn Tiến Bộ chính thức niêm yết lần đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đến năm 2018, cổ phiếu TTB chuyển niêm yết sang HOSE.

TTB có tiền thân là Doanh nghiệp Tư nhân được thành lập năm 1998 với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất cốp pha - giàn giáo, thiết bị xây dựng, kinh doanh sắt thép. Doanh thu của Công ty trước năm 2015 chủ yếu đến từ việc sản xuất, kinh doanh Giàn giáo - cốp pha cùng với hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng.

Sau này, công ty mở rộng quy mô với hoạt động kinh doanh BĐS dân dụng. Ngoài ra còn có một mảng khá "trái miếng" là sản xuất cầu lông mang thương hiệu Tiến Bộ.

Cầu lông Tiến Bộ theo thông tin công bố được làm từ nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, so với các thương hiệu khác, chất lượng cao nhưng giá bán cạnh tranh. 

Các thiết bị, máy móc phục vụ cho dây chuyền sản xuất cầu lông từ bán tự động đến tự động đều được nhập khẩu từ nước ngoài như: Máy khoan từ đế xoay tự động được nhập khẩu từ Đài Loan, máy phân loại lông cầu và máy bôi keo tự động được nhập khẩu từ Nhật Bản....

Xâm nhập thị trường từ năm 2012, tới năm 2016, cầu lông Tiến Bộ đã có mặt tại hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước, có thị phần cao tại các tỉnh trung du, miền núi bắc Bộ và được sử dụng tại các giải thi đấu trong nước. 

Từ quý II/2016, Tiến Bộ đã đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất cầu lông với công suất lên 4 triệu quả/năm. Doanh thu cầu lông Tiến Bộ năm này đạt hơn 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017 doanh thu từ sản xuất cầu lông giảm so với năm 2016. Nguyên nhân do chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán thành phẩm không tăng và chi phí tài trợ nhiều giải đấu ở các tỉnh thành có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm để quảng bá thương hiệu. 

Năm 2018, theo bản cáo bạch 2018, doanh thu được duy trì khoảng 3 tỷ, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng. Công ty đặt ra tham vọng trở thành TOP 5 nhà sản xuất cầu lông lớn nhất cả nước.

Năm 2019, sản lượng sản xuất nhà máy cầu lông Tiến Bộ đã đạt 5 triệu quả/năm, không tăng quá nhiều so với thời điểm mới sản xuất (2016). 

DN hiếm hoi trên sàn sản xuất cầu lông, vốn nghìn tỷ doanh thu bèo bọt đôi tỷ, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc - Ảnh 1.

Trên thực tế thì thương hiệu cầu lông Tiến Bộ được thị trường biết tới nhưng doanh số mảng cầu lông chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu của TTB. Chẳng hạn, năm 2016 - một năm ăn nên làm ra, cầu lông cũng chỉ đóng góp 5 tỷ đồng doanh thu cho TTB, chiếm chưa tới 2% tổng doanh thu công ty. Năm 2017, doanh thu mảng cầu lông chỉ hơn 3,3 tỷ đồng đóng góp chưa tới 1% cho TTB.

Hai mảng kinh doanh đem lại doanh thu chính của Tiến Bộ những năm gần đây là BĐS dân dụng (chủ yếu là các dự án chung cư ở Bắc Giang, Thái Nguyên) và kinh doanh thép.

Theo BCTC tự lập đến cuối 2022, vốn điều lệ của TTB lên tới 1.015 tỷ đồng, doanh thu năm 2022 là 1.409 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế TTB công bố là 2,7 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý III/2023, Tập đoàn Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần đạt 24,1 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế quý thứ 4 liên tiếp với mức lỗ 306,5 triệu đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, TTB ghi nhận doanh thu thuần 45 tỷ đồng, giảm 93,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lỗ sau thuế 845,2 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,3 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của công ty đạt 1.816 tỷ đồng, giảm 9% so với thời điểm hồi đầu năm, nợ phải trả giảm 19% xuống còn 765,1 tỷ đồng

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB) do hàng loạt vi phạm về công bố thông tin (CBTT), căn cứ theo quy định, ý kiến của UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, cổ phiếu này còn đang trong diện kiểm soát của HoSE, theo quyết định ngày 20/9 do chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

"Đến nay, Công ty chưa CBTT BCTC kiểm toán năm 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023. Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm CBTT của Công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ CBTT và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông", thông báo của HoSE cho biết.

Xây dựng nhà máy sản xuất cầu lông 2 giai đoạn, kỳ vọng trở thành TOP 5 nhà sản xuất lớn nhất cả nước

Nhà máy cầu lông với thiết kế ban đầu được khởi công xây dựng từ năm 2012, đã xây xong và đi vào hoạt động từ năm 2015. Tuy nhiên, Công ty đã mở rộng thêm các khoản mục thiết kế vào phần thiết kế ban đầu dẫn đến việc xây dựng DA nhà máy cầu lông bị kéo dài. 

Cụ thể, theo truyền thông năm 2015 đưa tin, TTB cho biết dự án mở rộng nhà máy cầu lông, nâng công suất đạt gần 4 triệu sản phẩm/năm. Cũng theo TTB, theo thiết kế, dự án có tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích gần 10.000m2, gồm các hạng mục nhà xưởng, văn phòng điều hành và các công trình phụ trợ như nhà để xe, nhà ăn công nhân, sân thể dục - thể thao. 

Dự kiến, sau khi đưa vào vận hành, nhà máy nâng công suất thiết kế đạt gần 4 triệu sản phẩm/năm. Doanh thu dự kiến từ lĩnh vực sản xuất cầu lông đạt khoảng 30 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động.

DN hiếm hoi trên sàn sản xuất cầu lông, vốn nghìn tỷ nhưng lãi không đáng kể, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, TTB cũng từng đặt mục tiêu đến năm 2020 lọt vào top 5 Công ty sản xuất Cầu lông lớn nhất cả nước và đạt top 3 vào năm 2025, đưa cầu lông Tiến Bộ vào trong hệ thống các giải đấu thuộc BMF International Challenge của Liên đoàn cầu lông thế giới (BMF)

Đến ngày 31/12/2017, giá trị xây dựng công trình này vẫn nằm trên khoản mục tài sản dở dang với số dư hơn 32 tỷ đồng. Theo thông tin trên bản cáo bạch 2018, nhà máy sản xuất cầu lông của TTB có diện tích 4.892,6 m2, nằm tại Tổ 2, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, đất thuê trả tiền hàng năm. Thời hạn sử dụng đất đến 18/5/2060.

Công ty đã hoàn thiện việc xây dựng nhà máy cầu lông vào Quý 2/2018 nhưng hiệu quả của dự án sau đó không được công bố. Đến 2021, thông tin về mảng cầu lông hoàn toàn "bốc hơi" trong báo cáo thường niên của TTB.





Trọng Nghĩa

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT