DN vụ án “thao túng giá cổ phiếu” vừa bị khởi tố: Bị can tự xưng là “thầy” có 18 năm thực chiến đầu tư làm giàu, cổ phiếu từng tăng giá 500% và 900%
Trước đó, Cựu Chủ tịch 1 ngân hàng từng tham gia mua trong con sóng năm 2021 và từng được đề cử vào HĐQT, hiện vẫn đang là cổ đông lớn nắm gần 17% vốn doanh nghiệp (DN).
Công an Thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với nhóm đối tượng gồm 7 người có hành vi thao túng thị trường chứng khoán với cổ phiếu CMS của CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam.
Theo cáo buộc, ông Trần Bình Minh và Nguyễn Hoàng Thi có vai trò cầm đầu. Ngoài ra, nhóm còn có các đối tượng khác như Phùng Tiến Thành, Hà Đức Đạt, Trần Ngọc Sơn, Trần Bá Tuấn và Lê Xuân Cao.
Về thủ đoạn, ông Trần Bình Minh bị cáo buộc đã mua gom mã CMS với giá thấp để đẩy giá lên và bán kiếm lời. Ông Nguyễn Hoàng Thi và 5 đối tượng còn lại sử dụng hội nhóm trên Zalo, Telegram để trao đổi về cổ phiếu sau đó hô hào, đưa ra ý kiến về nhiều mã cổ phiếu trong đó có mã CMS nhằm định hướng quyết định mua bán của nhà đầu tư, nhằm ảnh hưởng đến diễn biến giá.
Theo xác định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ tháng 5/2023 đến tháng 10/2023 khi giá cổ phiếu CMS lập đỉnh, nhóm này đã bán thu lời hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân ông Trần Bình Minh thu lời 5,5 tỷ đồng (tạm chính, chưa bao gồm thuế, phí).
Bị cáo Trần Bình Minh: Sáng lập nhiều kênh đầu tư tài chính, bất động sản với hơn 1 triệu người theo dõi, tự xưng là "thầy" có 18 năm kinh nghiệm thực chiến
Đáng nói, ông Minh trước đó đã tổ chức nhiều khóa học và tự xưng "thầy". Cụ thể, ông Trần Bình Minh sinh năm 1982, có hộ khẩu thường trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Cá nhân này là người tích cực hoạt động trên cộng đồng đầu tư chứng khoán, bất động sản khi thường xuyên đăng tải các video trên hai kênh YouTube có tổng lượng người theo dõi đạt hơn 1 triệu.
Đơn cử, một kênh liên quan đến chủ đề tài chính có hơn 100.000 người theo dõi. Kênh được thành lập từ tháng 6/2018, đã đăng tải 122 video với tổng lượt view tính đến ngày 30/8/2024 là hơn 4,1 triệu.
Trên nền tảng YouTube, ông Minh cũng liên tục đăng những video (trên một kênh khác được lập vào tháng 6/2019) với hơn 924.000 người theo dõi, chuyên về tài chính và cộng đồng bất động sản. Tại đây, ông Minh tự giới thiệu là sáng lập kênh, là nơi chia sẻ các cơ hội đầu tư hấp dẫn và kinh nghiệm đầu tư tới tất cả những ai có mong muốn kinh doanh và làm giàu. Cá nhân này cũng chia sẻ bản thân có 18 năm kinh nghiệm thực chiến, đánh đổi bằng nhiều mồ hôi công sức và cả nước mắt được chia sẻ trên kênh, một cách chân thành….
Ngoài hai kênh trên, cộng đồng KTC được ông Minh sáng lập còn hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, mạng X và có website riêng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm ngày 30/8, tên miền trên không thể truy cập.
Cùng với cụm từ KTC, theo thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra, ông Minh là người lập nhóm chat "Nội bộ anh em KTC" để truyền tải nội dung cụ thể cho từng người đăng tải trên các hội nhóm.
Khi niềm tin được đẩy lên cao, "thầy" Minh cùng các thành viên của cộng đồng KTC tổ chức các buổi offline hay chuyến thực tế thực địa các địa phương. Các buổi gặp gỡ sau đó được quay lại và chia sẻ trên các kênh mạng xã hội, kéo theo lượng thành viên không ngừng tăng lên.
Chủ tịch CMS từng cảnh báo về đà tăng bất thường của cổ phiếu
Trở lại với CMS, trên thị trường, cổ phiếu bất ngờ dậy sóng từ giữa năm 2023. Đặc biệt là giai đoạn 29/8 - 8/9/2023, CMS tăng 66% chỉ trong 1 tuần, đưa thị giá từ 12.000 đồng/cp lên 19.900 đồng/cp, thanh khoản có phiên lên đến hàng triệu cổ phiếu.
Đến cuối tháng 9/2023, cổ phiếu CMS tiếp tục tăng đột biến lên mức 30.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 500% từ đáy.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu CMS tăng trần 5 phiên liên tiếp (31/8 – 8/9/2023), Tập đoàn CMH Việt Nam từng có công văn giải trình rằng, giá cổ phiếu tăng/giảm hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, cũng như thị hiếu và nhu cầu của nhà đầu tư.
Công ty cho biết các hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, không có biến động gì bất thường và không có bất kỳ thông tin cũng như tác động nào gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường.
"Với CMS, nếu tôi là nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít tiền thì tôi chưa mua vào thời điểm này. Vì như tôi đã nói ở trên, hoạt động sản xuất kinh doanh của CMS đang rất bình thường, không có biến động lớn, nhưng giá chứng khoán CMS có vẻ bất thường", Chủ tịch Công ty từng cảnh báo.
Ảnh: Chủ tịch Công ty từng cảnh báo về đà tăng bất thường của cổ phiếu.
Tuy nhiên, đó không phải là lần đầu tiên cổ phiếu này tăng mạnh trong một thời gian ngắn. Cổ phiếu CMS từng nhận được nhiều sự quan tâm trên thị trường chứng khoán với mạch tăng giá từ 5.100 đồng/cp lên mức 37.500 đồng/cp trong giai đoạn từ 27/10 - 8/12/2021, tương ứng với mức tăng hơn 7 lần trong chưa đầy 2 tháng.
Trong khoảng thời gian trên, nhiều lãnh đạo của Công ty và người có liên quan của người nội bộ công ty đã đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu CMS. Ở hướng ngược lại, ông Nguyễn Đức Hưởng – cựu Chủ tịch 1 ngân hàng đã mua vào 3,7 triệu cổ phiếu CMS, đúng bằng lượng cổ phiếu mà ông Phúc đã bán, nâng sở hữu lên mức 24,9% vốn điều lệ.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong hai phiên 10/12 và 13/12, thị trường cũng ghi nhận có 3,7 triệu cổ phiếu CMS được sang tay qua phương thức thỏa thuận với tổng giá trị 113,1 tỷ đồng.
Sau khi trở thành cổ đông lớn, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 22/12/2021, ông Hưởng đã được bầu vào HĐQT CMS theo đề cử của ông Phạm Minh Phúc. Tuy nhiên, sau này trong đợt phát hành bán cổ phần riêng lẻ, ông Nguyễn Đức Hưởng đã không tham gia mua nên tỷ lệ sở hữu bị hạ xuống còn 16,83%, nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất của CMS.
CMS suy giảm mạnh lợi nhuận từ 2016, từ hàng chục tỷ chỉ còn vỏn vẹn vài tỷ đồng
Về CMS, Công ty có tiền thân là CTCP Cavico Cung ứng Nhân lực, được góp vốn bởi các cổ đông sáng lập bao gồm: CTCP Cavico Xây dựng Cầu hầm, các công ty thành viên trong hệ thống Cavico và các cổ đông là thể nhân với mức vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng.
Năm 2014, CMS "lột xác" khi tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 80 tỷ đồng, song song chuyển từ mô hình nhận thầu nhân công quốc tế sang mô hình nhà thầu xây lắp quốc tế bằng việc ký kết và triển khai hợp đồng dự án thủy điện Xepian Xenamnoy tại Lào với đối tác SK E&C của Hàn Quốc.
Hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 254,5 tỷ đồng. Công ty chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán HNX từ năm 2010. Trái ngược với sự "bùng nổ" của giá cổ phiếu, những năm gần đây kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục sụt giảm.
Trong giai đoạn 2010-2015, Công ty c ghi nhận sự tăng trưởng với hàng trăm tỷ doanh thu và hơn chục tỷ lợi nhuận. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay lợi nhuận của CMH Group giảm mạnh từ chỉ còn từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
Nửa đầu năm 2024, CMS ghi nhận doanh thu 62 tỷ đồng - gấp 3 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ doanh thu xây dựng tăng. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi ròng 2,6 tỷ.
Ảnh: KQKD của CMS giai đoạn 2013-6T2024 (tỷ đồng).
Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản Công ty hơn 430 tỷ, chiếm tỷ trọng lớn là khoản phải thu ngắn hạn với 218 tỷ và hàng tồn khó hơn 125 tỷ đồng. Nợ phải trả CMS đang vào mức 152,5 tỷ đồng.