Đường Hồ Tùng Mậu đến Xuân Thủy là trục đường huyết mạch và đây cũng là đoạn đường tập trung nhiều trường đại học lớn bậc nhất Thủ đô, chỉ trong vòng chưa đầy 2 km có đến 9 trường đại học.
Đầu tiên, tọa lạc tại số 79 đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy) là Trường Đại học Thương Mại (TMU), đây là trường đại học đào tạo đa ngành, hàng đầu trong các lĩnh vực Quản lý kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng…
Đi dọc xuống phía đường Xuân Thủy có đến 6 trường đại học thành viên của Đại học Quốc Gia Hà Nội, gồm các Trường Đại học: Ngoại ngữ, Công nghệ, Kinh tế, Giáo dục, Y - Dược và Luật. Ngoài ra, còn có các trường và khoa trực thuộc như Trường Quản trị và Kinh doanh, trường Quốc tế…
Đầu tiên là Trường Đại học Ngoại Ngữ (VNU – ULIS), đây là ngôi trường đầu ngành ngoại ngữ của cả nước. Bên cạnh hoạt động đào tạo ở bậc đại học và sau đại học, trường Đại học Ngoại ngữ còn có hai trường thành viên là Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THCS Ngoại ngữ.
Nằm cạnh đó là Trường Đại học Luật (VNU – UL) vừa được thành lập vào năm 2022 trên cơ sở từ Khoa Luật trực thuộc trước đó. Khoa Luật được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu Luật uy tín, nơi hội tụ của nhiều chuyên gia và nhà khoa học tâm huyết.
Phía sau Trường Đại học Luật là Trường Đại học Kinh tế (VNU – UEB) nổi tiếng trong việc đào tạo các lĩnh vực về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Ngoài ra, UEB còn nổi tiếng khi là trường đại học xây dựng một hệ thống gồm gần 50 đối tác chiến lược trong nước tập trung hỗ trợ học bổng, thực tập - thực tế cho sinh viên... Bên cạnh đó, Nhà trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu thuộc 13 quốc gia và vùng lãnh thổ về trao đổi sinh viên, giảng viên, đào tạo và hợp tác nghiên cứu.
Tiếp đến là Trường Đại học Y Dược (VNU – UMP), lĩnh vực hoạt động chủ yếu là đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời, Trường Đại học Y Dược coi nhiệm vụ phát triển nhân lực là điều kiện tiên quyết để phát triển và khẳng định vị trí của mình.
Trường Đại học Giáo dục (VNU - UED) là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu chất lượng cao, trình độ cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ… UED có mạng lưới hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu rộng khắp với hàng trăm trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… nhằm trao đổi học thuật, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ sứ mệnh và mục tiêu của trường.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội không thể không nhắc đến là Trường Đại học Công nghệ (VNU - UET). Sứ mạng của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và bồi dưỡng nhân tài tại các lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, UET đã và đang từng bước thực hiện nhiệm vụ và dần khẳng định là một trường đại học có vị thế, đồng thời còn là đối tác tin cậy của hơn 50 trường đại học, viện nghiên cứu và tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới.
Nằm cạnh 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội là ngôi trường trọng điểm đầu ngành trong hệ thống các trường Sư phạm, trung tâm lớn nhất về đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học - đặc biệt là khoa học giáo dục – của cả nước. Không phải cái tên xa lạ, chính là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE).
Nếu nói ngôi trường đào tạo ra các giáo viên sẽ nghĩ tới các trường đại học như Sư Phạm, Giáo Dục. Còn nhắc đến ngôi trường chuyên đào tạo các Phóng viên, Biên tập viên… chắc chắn phải nhắc tới Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) . Nằm ở số 36 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy (Hà Nội), ngôi trường đã có tới 62 năm xây dựng và phát triển, đồng thời đã đào tạo cho đất nước ra hàng nghìn cử nhân trong lĩnh vực Báo chí, truyền thông…
Bài và ảnh: Ngọc Đẹp