Đoạn kết buồn của tượng đài Nhật Bản Toshiba: Chính thức huỷ niêm yết sau 74 năm, tương lai bất định
Toshiba từng là một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Nhật Bản...
Toshiba vốn là gã khổng lồ, tượng đài giúp Nhật Bản thống trị về điện tử trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, ngày hôm qua, công ty này đã chính thức hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, sau 74 năm.
Theo tuyên bố vào thứ 4, tượng đài này sẽ được kiểm soát bởi nhóm nhà đầu tư do Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu, theo sau một thoả thuận trị giá 11 tỷ USD.
Kết thúc buồn của Toshiba diễn ra sau nhiều năm hoạt động của công ty chịu nhiều áp lực từ các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tình trạng hỗn loạn bắt đầu từ một vụ bê bối kế toán lớn làm rung chuyển một trong những công ty nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Toshiba đã thực hiện nhiều nỗ lực để cố gắng phục hồi dưới quyền sở hữu mới, bao gồm cả thỏa thuận với nhà đầu tư Rohm để sản xuất chip kiểm soát nguồn điện cho thiết bị điện tử. Một số nhà phân tích tin rằng công ty có thể bị chia nhỏ để cố gắng nâng giá trị cao hơn.
Những rắc rối gần đây của Toshiba lần đầu tiên được nhắc đến một cách công khai vào năm 2015, khi công ty mở một cuộc điều tra về nghi ngờ phóng đại lợi nhuận, kéo theo đó là những vấn đề lớn tại công ty con về công nghệ hạt nhân của họ. Điều đó đã thúc đẩy việc bán cổ phần và giảm tải một số chi nhánh của doanh nghiệp, bao gồm cả đơn vị sản xuất chip nhớ flash cho điện thoại thông minh.
Chính phủ Nhật Bản được cho là sẽ theo dõi chặt chẽ Toshiba. Công ty có khoảng 106.000 nhân viên và một số hoạt động của công ty được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Bốn giám đốc điều hành của JIP sẽ tham gia hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị mới sẽ có sự tham gia của cố vấn cấp cao từ những chủ nợ chính của Toshiba là Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui.
Trong một tuyên bố, Toshiba cho biết: "Công ty bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các cổ đông và các bên liên quan khác vì sự hiểu biết và hỗ trợ hết lòng của họ đối với ban lãnh đạo công ty trong nhiều năm kể từ khi công ty niêm yết. Tập đoàn Toshiba giờ đây sẽ thực hiện một bước quan trọng hướng tới một tương lai mới với một cổ đông mới".
ĐẾ CHẾ SUY TÀN
Toshiba là một trong những công ty điện tử hàng đầu của Nhật Bản. Tuy vậy, hiện nay, do biến động của nền kinh tế toàn cầu, họ đang phải vật lộn để tồn tại. Trong nhiều thập kỷ, Toshiba là một thương hiệu nổi tiếng về việc cung cấp các sản phẩm, thiết bị điện tử gia dụng và máy tính xách tay. Gần đây, công ty này đã bất ngờ quyết định rời khỏi thị trường máy tính xách tay và bán những cổ phần còn lại của mình cho hãng Sharp.
Công ty đã lâm vào tình trạng khó khăn trong một thời gian dài và dần dần lụi tàn trên thị trường. Cùng với đó, các công ty như Sony, Hitachi, Olympus và các công ty công nghệ Nhật Bản khác cũng dần rơi vào tình trạng này. Sự giúp đỡ từ chính phủ Nhật Bản hay những công ty đối tác trong ngành cũng không thể giúp họ cải thiện tình hình. Tất cả những điều này xảy ra chỉ trong 10 năm. Chỉ trong một thập kỷ, Toshiba, từ vị trí là một nhà sản xuất công nghệ tiên tiến trở thành một công ty không tạo ra được thêm bất kỳ sản phẩm gì mới và hữu ích.
Hồi năm 2015, một bản báo cáo dài 334 trang đã được cung cấp sau khi hoàn thành cuộc điều tra. Để làm hài lòng các cổ đông, CEO Atsutoshi Nishida (người đã chế tạo ra T1100), đã làm giả sổ sách tài chính. Những mục tiêu mà anh ta đặt ra là viển vông và không thể tưởng tượng được. Chính vì không thể đạt được con số mục tiêu của mình lần này, Atsutoshi Nishida đã bắt đầu khai gian sổ sách và khuyến khích cấp dưới của mình làm điều tương tự.
Năm 2006, Toshiba đã mua lại Westinghouse, nhà xây dựng các cơ sở hạt nhân có trụ sở tại Hoa Kỳ. Thỏa thuận được ký với giá trị đạt 5,4 tỷ USD. Đây là một thị trường mới mà Toshiba đầu tư vào, thị trường này còn được dự đoán sẽ phát triển trong thập kỷ tới. Năm 2005, nhiều quốc gia đã bắt đầu đầu tư và ký các cam kết về lĩnh vực điện hạt nhân. Mỹ đã đi đầu và công bố các khoản bảo lãnh cho vay, thuế sản xuất và các ưu đãi khác để thu hút các công ty liên kết.
Trận sóng thần năm 2011 đã gây ra sự cố thảm khốc cho nhà máy Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Điều này đã khiến Nhật Bản ngừng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân và đóng cửa tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Ngay sau đó các nước khác đã làm theo.
Công ty Chicago Bridge & Iron, một công ty đã ký hợp đồng với Westinghouse để xây dựng 4 trong số các lò phản ứng hạt nhân, đã sớm đóng cửa và được bán lại cho Westinghouse. Lý do là vì, công ty này cần phải thoát khỏi các dự án lớn và liên tục bị trì hoãn.
Westinghouse sau đó phát hiện ra rằng, các dự án này có giá trị lớn hơn rất nhiều so với những gì họ tưởng tượng. Điều này khiến họ nợ nần chồng chất và sau đó họ phải nộp đơn xin phá sản. Vào tháng 12 năm 2016, ban lãnh đạo của Toshiba cũng đã tham gia một cuộc họp báo khẩn cấp để báo cáo những tổn thất mới phát hiện của họ tại Westinghouse. Điều này cũng đưa Toshiba đến bờ vực phá sản.
Theo: The Guardian