Doanh nghiệp cần phải làm gì để nắm bắt thời cơ chuyển mình năm 2024?

Sau một năm tương đối “khắc nghiệt” với thị trường bất động sản, cũng như doanh nghiệp bất động sản, đến cuối năm, thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là cơ hội chuyển mình cho các doanh nghiệp bất động sản trong năm tới.

Năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, năm 2023 thị trường bất động sản đã phủ bởi "gam màu xám xịt, ảm đạm" khi hàng nghìn dự án phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm đóng cửa. Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là "lỗ", hoặc là lợi nhuận có thể giảm tới 80-90% so với cùng kỳ các năm trước.

Theo báo cáo mới đây của VARS, năm 2023 có 1286 doanh nghiệp giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022 (năm 2022 tăng tới 38,7% so với năm 2021), 3705 doanh nghiệp BĐS ngừng có thời hạn, tăng 47,4%. Năm 2023, bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.

Trong khi đó, số doanh nghiệp BĐS thành lập mới đạt 4.725, giảm 45%. Tuy nhiên, trong năm 2023 đã có 2270 doanh nghiệp BĐS quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% .

Lực lượng Môi giới BĐS cũng tương tự. Số lượng Môi giới phải nghỉ việc hoặc làm song song nhiều việc cùng lúc để có thêm thu nhập ngày càng tăng. Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2023, có đến 30-40% môi giới phải nghỉ việc. Đến thời điểm cuối năm, tình trạng này cơ bản đã ổn định hơn, nhưng vẫn có tới 15%-25% môi giới tiếp tục phải bỏ nghề.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và những nỗ lực của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội cả nước và ngành xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm.

Theo bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS đánh giá, quý 4/2023 thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự cải thiện cả về nguồn cung và giao dịch. Số lượng giao dịch quý 4 đạt 5.710 sản phẩm, tương đương với quý 3/2023 (đạt 5.778 sản phẩm) và gấp đôi so với các quý đầu năm (quý 1: 2.700 sản phẩm, quý 2: 3.700 sản phẩm).

Dẫn số liệu từ KPMG, bà Miền cho biết, hoạt động M&A đạt được kết quả tương đối khả quan, tổng giá trị 2023 của ngành bất động sản chiếm tỷ trọng 23% với phần lớn các giao dịch thành công từ các nhà đầu tư nước ngoài và đứng thứ hai trong các ngành kinh tế.

Tình hình bất động sản Việt Nam sẽ thay đổi dựa vào tình hình kinh tế thế giới và điều hành kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện để thông qua Luật Đất đai, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách tích cực nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi thị trường. Đây sẽ là "nền móng" cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản, bà Miền nhận định.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong năm 2023, độ ngấm và hiệu quả tháo gỡ về chính sách, cải thiện môi trường pháp lý đang rõ dần với hàng loạt dự án Luật đã được điều chỉnh và được Quốc hội thông qua. 

Một trong những vướng mắc thị trường là tính pháp lý của các dự án, chiếm khoảng 70-80% khó khăn. Nếu giai đoạn 2024-2025, các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án ở các khu dân cư mới được giải quyết và thị trường bất động sản sẽ phục hồi, ông Phong nhấn mạnh. 

Mặc dù, đã có những tín hiệu tích vào cuối năm 2023, nhưng để thị trường có thể phục hồi ngoài những nỗ lực từ Chính phủ, các cơ quan ban ngành thì bản thân các Doanh nghiệp bất động sản cũng cần nỗ lực, nắm bắt thời cơ để chuyển mình.

Để có thể tồn tại cũng như vực dậy thị trường bất động sản, ông Lê Đình Chung, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS cho rằng cần chung tay, góp sức vào cuộc chung của toàn hệ thống.

VARS khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm, dồn trọng tâm vào các dự án khả thi, đáp ứng được cả nhu cầu và khả năng tài chính của người dân. Hạn chế phát triển sản phẩm phục vụ đầu tư, ưu tiên phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực.

Nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi hấp dẫn, thiết thực dành cho cả khách hàng/nhà đầu tư cũng như các đơn vị phân phối, môi giới bất động sản. Tinh gọn quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ và các giải pháp nhằm giảm giá bán.

Hơn hết là hoạt động theo hướng "chậm nhưng chắc", xác định rõ tinh thần, 2024 vẫn là một năm đầy thách thức cần vượt qua. Với các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cần đặc biệt lưu ý đến khâu quản lý vận hành để đảm bảo tính khả thi cho các phương án khai thác cho thuê của khách hàng/nhà đầu tư. 

Thùy Trang

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT