Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ phải đổi mặt nhiều nguy cơ nếu bị động, không làm chủ công nghệ lõi

Cho rằng những thay đổi công nghệ diễn ra hàng ngày, hàng giờ - Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không làm chủ được các công nghệ chiến lược, không chế tạo, sản xuất được sản phẩm cốt lõi, thiết yếu... sẽ phải đổi mặt nhiều nguy cơ trong tương lai.

Ngày 19/4, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2025 cho gần 200 sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc trải rộng 9 nhóm lĩnh vực của ngành công nghệ.

Dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sao Khuê 2025 ghi dấu ấn với kỷ lục mới về quy mô, thu hút hơn 500 hồ sơ đề cử từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên cả nước. 

Qua 3 vòng đánh giá, từ Sơ loại - Thuyết trình và Chung tuyển, Hội đồng Chung tuyển toàn quốc do Tiến sĩ Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm Chủ tịch - cùng 40 chuyên gia uy tín, đã lựa chọn 198 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc để trao Giải thưởng Sao Khuê 2025.

Đại diện các doanh nghiệp lên nhận vinh danh trong các hạng mục tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025.

Đại diện các doanh nghiệp lên nhận vinh danh trong các hạng mục tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025.

Từ các sản phẩm đoạt giải, Hội đồng cũng lựa chọn các đề cử xuất sắc tại mỗi nhóm lĩnh vực để tiến hành xếp hạng Sao Khuê 5 sao, nhằm ghi nhận những sản phẩm – dịch vụ vượt trội về công nghệ, hiệu quả kinh tế và tác động xã hội. 

Đáng chú ý, năm nay có 25 đề cử được xếp hạng 5 sao - là năm có số lượng giải thưởng xếp hạng 5 sao lớn nhất trong lịch sử Giải thưởng Sao Khuê từ trước đến nay.

Đặc biệt, dựa trên bộ tiêu chí nâng cao, Hội đồng cũng tiến hành bình chọn Top 10 Sao Khuê 2025 - Hạng mục danh giá nhất của Giải. Năm nay, hạng mục cao nhất này chỉ có 09 sản phẩm - dịch vụ, tiên phong trong các lĩnh vực như bảo hiểm/chứng khoán/đầu tư, Fintech, Tiếp cận số, Dịch vụ chuyển đổi số, Số hóa dữ liệu, ngân hàng số, thiết bị thông minh, quản trị hệ thống công nghệ thông tin và giáo dục đào tạo.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ phải đổi mặt nhiều nguy cơ nếu bị động, không làm chủ công nghệ lõi- Ảnh 2.

Top 10 Sao Khuê năm 2025 ghi nhận 9 giải pháp/nền tẳng và sản phẩm được trao giải

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam mang trí tuệ Việt ra thế giới

Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương chia sẻ, những biến động địa chính trị toàn cầu thời gian qua là lời nhắc nhở không chỉ cho Việt Nam, mà các quốc gia trên thế giới, cần nghĩ lại, đánh giá lại, đặt lại vấn đề về tầm quan trọng của tự lực tự cường tự chủ của dân tộc. Ông cho rằng, việc làm chủ công nghệ giúp Việt Nam không bị động, từ đó có thể vượt qua khó khăn.

Ông Hoàng Phương đánh giá cao tầm quan trọng và đóng góp của của các doanh nghiệp công nghệ số cũng như ngành công nghệ nói chung. Đặc biệt là khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nền tảng phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đông thời, ông Phương cũng nhắn nhủ các doanh nghiệp công nghệ cần chú ý hơn tới các thách thức khách quan và chủ quan, tiếp tục sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ để vươn tầm thế giới.

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu tại sự kiện.

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu tại sự kiện.

Trước việc Mỹ đánh thuế cao với mặt hàng nhập khẩu, Thứ trưởng Phương nhận định, nếu doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không làm chủ công nghệ, đặc biệt các công nghệ chiến lược, không chế tạo sản xuất được sản phẩm cốt lõi, thiết yếu, sẽ phải đổi mặt nhiều nguy cơ trong tương lai.

Cũng theo ông Phương, để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tinh thần Nghị quyết 57, Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua hai luật gồm Luật Khoa học Công nghệ và Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến được thông qua trong tháng 5.

Thứ trưởng Phương tin tưởng, khi đi vào thực tế, luật này sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm thế giới, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa phát biểu tại Lễ trao giải Sao Khuê 2025.

Đại diện đơn vị tổ chức, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc tập đoàn FPT, Chủ tịch VINASA cho biết: "Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ dừng ở thị trường nội địa mà còn mang trí tuệ Việt ra thế giới".

Ông Khoa tin rằng, các giải pháp về AI, blockchain, và điện toán đám mây được vinh danh hôm nay đã được đưa vào những hợp đồng lớn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, và Bắc Mỹ. 

Theo đó, những thành tựu này không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm cung cấp dịch vụ số, trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên toàn cầu.

"Nghị quyết 57 đang tạo ra một động lực rất lớn, đất nước đang đòi hỏi nỗ lực sáng tạo công nghệ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ nỗ lực sáng tạo hơn nữa, liên kết chặt chẽ hơn nữa để sẵn sàng giải những bài toán lớn của đất nước," Chủ tịch VINASA nói.

Tuấn Việt

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT