Doanh nghiệp của bầu Đức bán bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai sau 12 năm hoạt động
Hoàng Anh Gia Lai công bố nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần (tương đương 99%) vốn điều lệ tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu 2016.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG, sàn HoSE) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai.
Theo đó, HĐQT đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần (tương đương 99%) vốn điều lệ tại CTCP Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai để trả nợ gốc trái phiếu 2016.
HĐQT uỷ quyền và giao cho bà Hồ Thị Kim Chi, Phó tổng giám đốc, đại diện ký các hợp đồng, thoả thuận, văn bản, tài liệu và triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng này.
Bệnh viện Đại học Y Dược - HAGL được thành lập năm 2011, tại thành phố Pleilu (Gia Lai) với vốn đầu tư ban đầu là 250 tỷ đồng. Đây là bệnh viện đa khoa, được thành lập dựa trên sự hợp tác của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Tập đoàn HAGL.
Bệnh viện nằm ở trung tâm TP.Pleiku, đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, hiện có 11 khoa nội trú, 6 phòng chức năng và 20 phòng khám chuyên khoa.
Được biết, HAGL vẫn còn dư nợ của mã trái phiếu HAGLBOND16.26 được HAGL phát hành ngày 30/12/2016, giá trị lưu hành là 5.271 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, ngày thanh toán lãi định kỳ mã trái phiếu này là 30/9/2023. Trong đó tổng tiền lãi phải thanh toán là 122,5 tỷ đồng; số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế đến ngày 30/9/2023 là 2.870,6 tỷ đồng, số tiền gốc chậm thanh toán 1.157 tỷ đồng.
Tính đến ngày 29/9/2023, HAGL đã thanh toán gốc 380 tỷ đồng, thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại vào quý IV/2023.
Trước đó, trong quý III/2023, HAGL cũng đã bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, thu về 180 tỷ đồng, để trả nợ lô trái phiếu nói trên cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Tại Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra hôm 15/12 vừa qua, bầu Đức cho hay đã có đối tác muốn mua bệnh viện nhưng theo nguyên tắc bảo mật, mọi thứ đang trong vòng đàm phán nên công ty không thể tiết lộ.
Cũng tại hội nghị này, bầu Đức cho biết năm 2023 HAGL đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng nhưng con số đạt được có thể lên tới 2.150 tỷ đồng. Con số đột biến này là nhờ thu nhập bất thường, trong đó có thu nhập từ việc bán bớt tài sản hay như phần giảm lãi vay của Eximbank mới đây.
Gần đây, công ty con của HAGL là CTCP Chăn nuôi Gia Lai đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trung hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014. Đồng thời, công ty được ngân hàng miễn giảm hơn 1.400 tỷ đồng tiền lãi, bao gồm một phần lãi trong hạn, toàn bộ lãi quá hạn và tiền phạt chậm trả lãi. Khoản này sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận 2023 bởi các năm trước đó đã trừ vào kết quả kinh doanh.
Việc đạt lợi nhuận cao trong năm 2023 sẽ giúp cho lỗ lũy kế của HAGL giảm đi nhanh chóng. Xóa lỗ lũy kế cũng là một mục tiêu quan trọng của bầu Đức để hướng đến việc đưa cổ phiếu HAG được giao dịch ký quỹ (margin) trở lại. Theo báo cáo tài chính quý III/2023, HAGL còn khoản lỗ lũy kế 2.640 tỷ đồng nên cổ phiếu bị cắt margin.
Vừa qua, HAG cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Cụ thể, HAG dự kiến chào bán 130 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho 03 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền huy động dự kiến 1.300 tỷ đồng sẽ được dùng để cơ cấu lại nợ cho công ty con - Hưng Thắng Lợi Gia Lai, Gia súc Lơ Pang và thanh khoán nợ trái của phiếu HAGL.