Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Doanh nghiệp hàng không đề xuất bỏ giá trần vé máy bay

Nguyễn Trọng Cảnh

Trong bối cảnh hàng không Việt thua lỗ liên miên, các hãng hàng không đều đề xuất bỏ trần vé máy bay, đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Tại buổi Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức vào chiều 24/2, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Vietnam Airlines thông tin, hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi Luật Hàng không và có giá trần giá sàn.

“Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015 và từ đó đến nay dù các hãng hàng không đều phải báo cáo giải trình giá thành các yếu tố đầu vào thay đổi như thế nào, có những kiến nghị điều chỉnh trần giá vé nhưng tuyệt nhiên giá vẫn đóng khung từ đó đến giờ,” ông Thành nói.

bo-tran-ve-may-bay-1677299650.jpg
 

Đồng tình với quan điểm của đại diện Vietnam Airlines, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng cho hay, trong khi thị trường Trung Quốc gặp khó khăn vì trong danh sách 20 quốc gia được Trung Quốc cấp visa khách du lịch theo đoàn thì không có Việt Nam, thì qua khảo sát, tại thị trường Nhật Bản, người dân cũng hạn chế đi du lịch ra ngoài. Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.

“Bỏ giá trần với những đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên nhưng vẫn duy trì sự quản lý Nhà nước nếu đường bay nào chỉ có 1 hãng khai thác. Bỏ giá trần hay nâng giá trần không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng,” ông Quân nhấn mạnh.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air thừa nhận khó khăn và bày tỏ, nếu không có một sự thay đổi cơ bản trong chính sách quản lý của Nhà nước thì các hãng hàng không Việt tiếp tục yếu đi.

“Trong khi các hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu báo lãi sau dịch thì các hãng hàng không Việt vẫn chìm ngập trong vấn đề thanh khoản yếu. Giá vé thì bị giới hạn trần, lãi suất ngân hàng rồi việc vay vốn ngân hàng của các hãng hàng không cũng không thuận lợi… Các yếu tố này khiến hàng không loay hoay phục hồi”- bà Yến Phương cho hay.

Theo quan điểm của ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, giá trần vé máy bay còn tồn tại đến nay là sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt.

Lý giải điều này, ông Nam dẫn chứng, trên thế giới không nước nào quản lý vé bay bằng giá trần (đơn cử như Thái Lan, Indonesia, riêng Trung Quốc thì Nhà nước phê duyệt giá vé máy bay, không có hàng không giá rẻ nên không có giá trần…). Giá vé trần đã tước đi các hãng bay cơ hội về tăng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn cao điểm (giai đoạn Hè vào tháng 6-7 và dịp Tết chỉ cao điểm 1 chiều).

“Nếu bỏ giá trần thì các hãng cải thiện được các giai đoạn thấp điểm. Giá trần kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Quan điểm là sửa Luật, Nghị định bỏ trần giá vé cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường,” ông Nam nói.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, khả năng phục hồi của hàng không còn khá mong manh và việc có thể cắt lỗ trong năm 2023 là rất khó.

Vì vậy Nhà nước nên tiếp tục cân nhắc có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng như đã từng triển khai trong năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục kiểm soát tốt giá xăng dầu; thúc đẩy du lịch mạnh mẽ hơn…

Đặc biệt, ông Lực cho rằng, Nhà nước cần cân nhắc có thể bỏ giá trần vé máy bay. “Bỏ giá trần không có nghĩa là chúng ta mở toang không quản lý gì.

Điều kiện để chúng ta bỏ giá trần là phải công khai, minh bạch hơn để người dân thấy tâm phục khẩu phục và an tâm, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân thấy xứng với đồng tiền bỏ ra; có nhiều giá vé khác nhau để hợp với túi tiền của từng phân khúc…”- chuyên gia Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

PV