Doanh nghiệp hướng tới năm 2025 đầy triển vọng

Năm 2024 là một năm đầy thử thách nhưng cũng ghi dấu những bước tiến quan trọng của doanh nghiệp Việt Nam. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều chứng kiến sự phục hồi, tạo tiền đề cho năm 2025 đầy kỳ vọng.

Năm 2024 đã khép lại với những dấu ấn đáng tự hào của nền kinh tế Việt Nam, một năm mà chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng, ủng hộ của toàn dân và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7% GDP (vượt mức mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Doanh nghiệp hướng tới năm 2025 đầy triển vọng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,78% (tính đến tháng 10/2024).

Bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn chỉ tiêu cho phép. Thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm so với năm 2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỉ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, 77,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024 (28,6% tốt hơn và 48,7% giữ ổn định). Chỉ có 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn tăng 5,1%, trong khi tỷ lệ đánh giá khó khăn hơn giảm 5,5%.

Tính theo ngành kinh tế, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất, với 79,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình tốt hơn và giữ ổn định (38% tốt lên và 41,8% giữ ổn định). Chỉ 20,2% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

Ngành thương mại, dịch vụ cũng có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hoạt động tốt hơn khá cao, hơn 77%. Chỉ 22,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động khó khăn hơn.

Ngành xây dựng có 73,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động tốt hơn và giữ ổn định, trong khi 26,3% đánh giá hoạt động khó khăn hơn.

Tính theo loại hình kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 78,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động tốt hơn và giữ ổn định (30,7% tốt hơn và 47,8% giữ ổn định). Chỉ 22,7% đánh giá hoạt động khó khăn hơn.

Trong khi đó, 77,8% doanh nghiệp nhà nước đánh giá hoạt động tốt hơn và giữ ổn định và 22,2% đánh giá hoạt động khó khăn hơn. Với doanh nghiệp ngoài nhà nước, tỷ lệ tương ứng là 77% và 23%.

Những thành tựu về kinh tế đã đạt được trong năm 2024 đã tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng và phát triển kinh tế năm 2025. Qua đó, giúp doanh nghiệp tự tin hướng tới năm 2025 đầy triển vọng.

Theo một khảo sát của Vietnam Report cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp khá lạc quan khi bước sang năm 2025. Kết quả này khá tương đồng với khảo sát công bố hồi tháng 10 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế trong 12 tháng tới có những tín hiệu tích cực, phù hợp với diễn biến của các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Theo đó, về triển vọng kinh tế ngành, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tích cực” và “tích cực” về triển vọng kinh tế ngành đã tăng lên, đồng thời tỷ lệ đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” đã giảm đi so với các kỳ khảo sát trước.

Niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế vĩ mô đã có sự tăng trưởng, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tích cực” và “tích cực” lần lượt tăng gấp 5 và gần 6 lần trong khi tỷ lệ đánh giá tiêu cực giảm đáng kể.

Khánh Hân (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT