Doanh nghiệp khát vọng 'hóa Rồng' năm 2024 với kế hoạch kinh doanh đầy lạc quan
Bước sang năm con Rồng 2024, nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận đầy lạc quan bất chấp tình hình sản xuất kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.
Doanh nghiệp lãi càng lớn càng thận trọng
Nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí vừa có năm 2023 kinh doanh hết sức thuận lợi. Điển hình là Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) với tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.423 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 9.848 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.455 tỷ đồng, gấp đôi chỉ tiêu lợi nhuận sau điều chỉnh (4.900 tỷ đồng).
Sau năm 2023 lãi “khủng”, BSR đặt mục tiêu sản lượng sản xuất năm 2024 đạt hơn 5,7 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ hơn 5,66 triệu tấn, tổng doanh thu hợp nhất 94.974 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 991.3 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này được xây dựng theo phương án giá dầu thô đạt 70 USD/thùng.
Các mục tiêu này có phần thận trọng, nhưng cần biết rằng, những năm gần đây BSR thường xuyên vượt chỉ tiêu đề ra.
Một doanh nghiệp dầu khí khác là Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (mã PVS) đã lên kế hoạch năm 2024 với doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 660 tỷ đồng.
Năm nay, PTSC đặt mục tiêu tập trung quản lý và khai thác an toàn hiệu quả đội tàu dịch vụ chuyên dụng, đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường trong nước và phát triển ra thị trường nước ngoài (Malaysia, Trung Đông, Ấn Độ); giữ vững và mở rộng thị trường dịch vụ cung ứng lao động khai thác dầu khí và các dịch vụ O&M, phục vụ khác trên các tàu FSO, FPSO trong và ngoài nước; nghiên cứu hướng đầu tư mở rộng sang lĩnh vực kho chứa LNG.
PVS cũng theo đuổi một số dự án thi công chế tạo cấu kiện phục vụ năng lượng tái tạo ngoài khơi trong và ngoài nước, triển khai hiệu quả, an toàn chất lượng và đúng tiến độ các dự án Hải Long, bồn chứa LPG Thị Vải, dự án tại vùng biển Qatar...
Tương tự, một số doanh nghiệp ngành phân bón cũng lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ thị trường thế giới.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) kết năm 2023 bằng doanh thu 12.600 tỷ đồng, giảm 21%; lãi ròng 1.100 tỷ đồng, thấp hơn 74% so với năm trước. So với kế hoạch được thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, doanh nghiệp thực hiện được 94% kế hoạch doanh thu, và hơn 80% mục tiêu lãi sau thuế.
Dù kết quả giảm nhưng thực tế mức nền năm 2022 của Đạm Cà Mau là rất cao với khoản lợi nhuận kỷ lục nhờ hưởng lợi từ cơn sốt hàng hóa toàn cầu.
Do đó, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch 2024 có sự điều chỉnh với tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.878 tỷ đồng, giảm 11,7% so với kế hoạch năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 794,8 tỷ đồng, giảm 42% so với kế hoạch năm ngoái.
Trong khi đó, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) công bố con số kế hoạch năm 2024 với doanh thu 12.755 tỷ đồng, giảm 6% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 542 tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023.
Theo giới phân tích, đây là mục tiêu rất thận trọng. Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc nếu tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón, giá u-rê thế giới dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi.
Những doanh nghiệp khát vọng bứt phá
Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi đặt mục tiêu thận trọng thì ngược lại một số công ty làm ăn khó khăn vẫn đưa ra kế hoạch đầy tham vọng. Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (Dabaco, mã DBC) của Chủ tịch Nguyễn Như So là một trường hợp như thế.
Chủ tịch Dabaco từng nhận định, 2023 là một năm rất khó khăn với doanh nghiệp, thậm chí là năm khó khăn nhất với cá nhân ông trong gần 28 năm điều hành doanh nghiệp. Sức mua sụt giảm và giá thịt lợn ở mức thấp nên công ty không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Giá thịt lợn chạm đến vùng đáy 48.800 đồng/kg trong năm 2023 cùng với giá một số nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho thức ăn chăn nuôi luôn biến động, đặc biệt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước diễn biến phức tạp cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi phải đối mặt.
Năm 2023, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 11.110 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ; lãi ròng ở mức 25 tỷ đồng.
Đánh giá những khó khăn đã qua, năm 2024, Dabaco tự tin khi lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên tính toán giá thịt lợn ở mức 53.000 - 55.000 đồng/kg, thấp hơn so với nhận định của ông So là giá thịt lợn trong năm 2024 ít có khả năng về dưới mức 60.000 đồng/kg.
Ngành thép vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng trong năm 2023 khi loạt doanh nghiệp vẫn báo lỗ. Điển hình là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 gần 13.800 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ; lỗ ròng gần 880 tỷ đồng, phần lớn là do trích lập dự phòng nợ xấu (hơn 500 tỷ).
Với một doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại thép xây dựng cao như SMC (khoảng 40%), tình trạng công trình đứng và công nợ chồng chất chưa thu hồi được đã giáng đòn nặng nề vào hoạt động kinh doanh. Hai mảng còn lại là sản xuất thép và gia công cũng không quá khả quan.
Sang 2024, SMC thông qua kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 900.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác đặt kế hoạch đầy tham vọng đó là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) với doanh thu mục tiêu 125.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và gấp 14 lần so với thực hiện năm 2023.
Kế hoạch này được đưa ra khi Thế giới di động ghi nhận lãi ròng năm 2023 chỉ 168 tỷ đồng, giảm 68% so với thực hiện năm 2022 và thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết. Cùng với đó, MWG mang về hơn 118.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với năm trước. Đóng góp chính vẫn là doanh thu từ chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ, bao gồm Topzone) và Điện máy Xanh, lần lượt hơn 28.000 tỷ đồng và 55.000 tỷ đồng, giảm 18% và 20% so với năm trước. Riêng chuỗi Bách hóa Xanh có doanh thu tăng trưởng 17%, đạt gần 32.000 tỷ đồng.
Năm 2023, MWG đề ra kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng. Như vậy, MWG đã thực hiện được 88% mục tiêu doanh thu và chỉ hoàn thành 4% mục tiêu lợi nhuận.