Doanh nghiệp lao đao vì lãi vay quá cao
Lãi suất cho vay cao ngất ngưỡng đang khiến doanh nghiệp điêu đứng.
Theo bảng lãi suất cơ sở của một số ngân hàng vừa công bố, với kỳ hạn vay 7 – 9 tháng thì lãi suất là 9.1%; kỳ hạn 10 – 12 tháng là 9.3%; kỳ hạn trung và dài hạn, mức lãi suất cơ sở là 9.8%/năm. Tuy nhiên, đây chỉ là mức lãi suất được các ngân hàng công khai, còn khi đi vay, khách hàng phải phải chịu thêm lãi suất theo biên độ là 2,5% khiến tổng lãi suất phải trả cho ngân hàng lên tới trên 12.3%.
Giám đốc một doanh nghiệp vừa được giải ngân khoản vay ngậm ngùi cho biết, mặc dù ngân hàng niêm yết công khai lãi suất cơ sở các kỳ hạn, nhưng khi ký hợp đồng, phía nhà băng yêu cầu cộng thêm biên độ, thông thường từ 2 – 2,5%. Với khoản cộng biên độ này, lãi suất thực tế đã tăng lên rất nhiều lần.
“Công ty chúng tôi vừa được ngân hàng giải ngân khoản vay 300 tỷ đồng, số tiền này để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Với mức lãi suất cơ sở cộng với biên độ 2,5%, tiền lãi mỗi tháng của khoản vay mà công ty phải trả là hơn 3 tỷ đồng.Trong điều kiện doanh nghiệp quá khó khăn như hiện nay, nếu so với lãi suất huy động thì mức lãi suất cho vay này là quá cao”, vị giám đốc này than thở.
Bà Lê Thị Loan, Giám đốc HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan cho biết, kể từ đầu năm đến nay có hơn 500 tấn ngao thương phẩm bị chết, thiệt hại gần 4 tỷ đồng. HTX rất cần vốn để mua con giống, tiền thuê nhân công để tiếp tục nuôi.
Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận các khoản vay gặp khó khăn. Chưa tính biên độ 2,5%, HTX của bà Loan đang có khoản vay 4 tỷ đồng từ ACB và một ngân hàng khác để đầu tư với lãi suất khá cao (khoảng 8 – 9%/năm). Bà Loan đề xuất, các ngân hàng cần xem xét lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ HTX đầu tư sản xuất.
Một cán bộ công tác tại một ngân hàng xin được giấu tên cho biết, thông thường, biên độ chỉ áp dụng cho hình thức huy động. Chênh lệnh lãi suất tiền vay và lãi suất tiền gửi hiện nay là 4 -5%/năm. Với lãi suất vay trung dài hạn cho doanh nghiệp trên lên đến 12,3%/năm là rất cao. Mức lãi cho vay này này được xem là cao hơn so với các năm trước, cũng như cao hơn so với thế giới.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, mặc dù lãi suất của Việt Nam đã giảm khá nhanh ở phân khúc tiền gửi, nhưng phân khúc cho vay vẫn còn rất cao, nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 15-17%/năm, bất chấp NHNN đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các ngân hàng cần giảm lợi nhuận, chia sẻ với khách hàng vay thay vì “ép” doanh nghiệp chịu lãi suất cao mới cho vay.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ cũng như chính NHNN đã có nhiều chỉ đạo các ngân hàng đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên chưa thấy có nhiều kết quả. Mới đây nhất, ngày 14/8, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Phấn đấu mức giảm tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng gửi báo cáo lãi suất cho vay.
Ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm nay. Thường trực Chính phủ lưu ý NHNN nghiên cứu, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu tiếp tục hạ lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, NHNN cũng cần khẩn trương rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các Thông tư của NHNN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Theo luật sư Đoàn Thị Phương Thảo (Đoàn Luật sư Hà Nội), mặc dù Chính phủ cũng như NHNN đã có nhiều chỉ đạo các ngân hàng đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay nhưng chưa thấy có nhiều kết quả bởi lãi vay trên thực tế trong mấy tháng qua vẫn tăng so với năm 2022.
Trong khi cơ quan quản lý, Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt như vậy nhưng các ngân hàng mới chỉ giảm lãi suất “trên giấy”, người vay tiền vẫn phải “quặn lòng” trả lãi rất cao trong khi điều kiện tài chín của doanh nghiệp gần như kiệt quệ.
Điều này cho thấy ngân hàng đang đi ngược lại chủ trương của Chính phủ, của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ. “Cơ quan thanh tra giám sát cần phải nhanh chóng vào cuộc làm rõ thực trạng này, nếu có dấu hiệu sai phạm, cần mời cơ quan điều tra vào cuộc để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, luật sư Thảo đề xuất.