Doanh nghiệp thép đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 sụt giảm mạnh so với năm trước nhưng vẫn tích cực so với khoản lỗ nặng sau 9 tháng đầu năm 2023.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: SMC) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT về kế hoạch kinh doanh năm 2024. SMC dự kiến sản lượng tiêu thụ đạt 900.000 tấn thép các loại. Lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty cũng thống nhất kế hoạch mua lại trước hạn lô trái phiếu giá trị 200 tỷ đồng phát hành ngày 2/8/2021 và đáo hạn ngày 2/8/2024. Thời gian dự kiến mua lại vào ngày 2/6/2024 (trước hạn 6 tháng) sau khi thỏa thuận được với người sở hữu trái phiếu và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của SMC sụt giảm mạnh so với năm trước. Đầu năm 2023, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 9 tháng đầu năm, tình hình không quá khả quan. Riêng quý 3/2023, SMC đạt 3.141 tỷ doanh thu thuần hợp nhất, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn cộng với các chi phí khiến SMC lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 219 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, SMC lỗ 586 tỷ đồng, quét sạch lợi nhuận chưa phân phối hơn 343 tỷ đồng tích luỹ được tại thời điểm đầu năm, để lại con số lỗ luỹ kế lên tới 205,8 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán thời điểm 30/9/2023.
Ngoài việc biên lợi nhuận thu hẹp do giá thép liên tục giảm, gánh nặng chi phí tài chính thì nợ xấu là một trong những nguyên nhân gây ra kết quả thua lỗ nặng nề của SMC. Đặc thù là kinh doanh thương mại thép nên các khoản phải thu khách hàng của SMC thường có tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, cũng là nơi phát sinh rủi ro khi các đối tác là chủ đầu tư BĐS gặp khó khăn.
Chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi trong 9 tháng là 202 tỷ đồng. Chi tiết hơn, tại thời điểm cuối quý 3, dự phòng phải thu khách hàng đã được trích lập 273 tỷ đồng. Trong đó các khoản trích lập lớn nhất đa phần thuộc về các doanh nghiệp bất động sản như CTTNHH Delta Valley Bình Thuận (77,6 tỷ), BĐS Đà Lạt Valley (25 tỷ đồng).