Doanh nhân tuổi thìn Hồ Xuân Năng: Bước ngoặt với cú M&A "ngược" làm nên khối tài sản gần 9.000 tỷ đồng

Ông Hồ Xuân Năng khi đó là lãnh đạo của công ty bị thâu tóm lại “thâu tóm” ngược lại công ty đi thâu tóm.

Doanh nhân tuổi thìn Hồ Xuân Năng: Bước ngoặt với cú M&A

Ông Hồ Xuân Năng sinh năm 1964, tuổi Giáp Thìn, hiện đang là Chủ tịch HĐQT của CTCP Vicostone (mã CK: VCS), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group), Chủ tịch HĐQT CTCP Phenikaa-X, Chủ tịch HĐQT CTCP Nghiên cứu và Kiểm nghiệm thuốc AQP, Chủ tịch HĐQT CTCP Y học Vĩnh Thiện, Chủ tịch Hội đồng Trường – Trường Đại học Phenikaa. 

Ông Năng hiện đang sở hữu khối tài sản khoảng gần 8.700 tỷ đồng, thông qua sở hữu trực tiếp và sở hữu gián tiếp thông qua Phenikaa Group cổ phiếu VCS, nằm trong top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, năm 2018, thời điểm cổ phiếu VCS lên cao nhất lịch sử, ông Hồ Xuân Năng còn nằm trong top 5.

photo-1707417699915

 

Xuất phát với vị trí thư ký Chủ tịch

Ông Hồ Xuân Năng quê ở tỉnh Nam Định, ông theo học đại học và tiếp tục học lên Tiến sỹ kỹ thuật tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ, ông Hồ Xuân Năng làm cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhưng sau đó, ông đã bước chân sang ngành kinh doanh, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam. 

Năm 1999, ông Năng gia nhập Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT, sau là Phó Chánh Văn phòng Tổng công ty Vinaconex.

Cuối năm 2002, Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch HĐQT Vinaconex để thực hiện đầu tư dự án dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).

Quãng thời gian từ năm 2003 đến tháng 7/2004 là một khoảng thời gian hoạt động bế tắc của Nhà máy, chất lượng sản phẩm kém, tỷ lệ phế phẩm cao, công tác bán hàng trong nước trì trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Mặc dù liên tục có sự điều chỉnh về nhân sự lãnh đạo với 3 lần thay đổi Giám đốc Nhà máy, song các vấn đề nêu trên vẫn không được khắc phục, khả năng phá sản Nhà máy là cận kề.

Tháng 7/2004, ông Hồ Xuân Năng được bổ nhiệm để thay Giám đốc cũ và cùng với đó là quá trình tái cơ cấu toàn diện, một sự thay đổi bước ngoặt về mô hình hoạt động và chiến lược kinh doanh.

Trong đó, thay đổi về mô hình hoạt động là cổ phần hóa nhà máy. Tháng 12/2004, Bộ trưởng Bộ xây dựng ký Quyết định chuyển Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex thành Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex và năm 2005, công ty chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 30 tỷ đồng do Vinaconex nắm 60%.

Ngay sau khi đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, riêng 6 tháng cuối năm 2005 của năm tài chính 2005 công ty đã có lãi. Năm 2006 là năm tài chính đầu tiên có lãi sau thuế 5,6 tỷ đồng, con số khá lớn so với các công ty thành viên của Tổng công ty chủ quản Vinaconex lúc bấy giờ, chứng tỏ hiệu quả của việc tái cơ cấu lần đầu.

VCS lên sàn từ năm 2007 và Vinaconex vẫn là công ty mẹ sở hữu 51% bên cạnh các cổ đông như Vietnam Holding (5%) và CTCP Đầu tư IPA (5%). Sau đó, Vinaconex thoái vốn dần và đến năm 2013 thì thoái hết hoàn toàn. Bên cạnh đó, cơ cấu cổ đông của Vicostone có sự có mặt của các quỹ đầu tư như Red River Holding Limited và Beira Limited. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, VCS cũng gây ồn ào trên thị trường vì mối quan hệ mối bất hoà giữa ban điều hành và cổ đông ngoại Red River Holding.

Thương vụ thâu tóm khiến tài sản ông Hồ Xuân Năng lên hàng nghìn tỷ đồng

“Cuộc chiến cổ đông” kết thúc khi ông Hồ Xuân thực hiện thương vụ M&A với CTCP Phượng Hoàng Xanh Phenikaa. Red River Holding rời khỏi Vicostone và doanh nghiệp này bất ngờ chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh lẫn giá cổ phiếu khiến tài sản của vị Chủ tịch này tăng vọt.

Tháng 8/2014, đại hội cổ đông bất thường của CTCP Vicostone (VCS) đã thông việc tái cấu trúc công ty với nội dung quan trọng là chấp thuận Vicostone trở thành công ty con của Phenikaa Group. Theo đó Vicostone đã chấp thuận việc Phenikaa Group mua lại 58% cổ phần của Vicostone mà không phải thông qua chào mua công khai. 

Ngay trong tháng đó, Phenikaa đã hoàn tất việc mua 58% cổ phần và trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của Vicostone. Đến cuối tháng 9/2014, Vicostone đã mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, qua đó làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%. Sau đó, Phenikaa tiếp tục mua thêm và tỷ lệ sở hữu hiện tại lên đến 84,15%.

Đưa ra nguyên nhân chấp nhận trở thành công ty con của Phenikaa, Vicostone cho biết, thời điểm đó, Vicostone gặp nhiều khó khăn do bị đe dọa về mặt thị phần, kết quả hoạt động và tăng trưởng chững lại khi gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi các đối thủ lớn liên tục đầu tư mởrộng quy mô sản xuất.

Trong khi đó, Phenikaa đã kí hợp đồng độc quyền nhập khẩu dây chuyền sản xuất đá thạch anh tấm lớn theo công nghệ tiên tiến nhất với Breton và nắm giữ độc quyền trong vòng 6 năm, đồng nghĩa với việc Vicostone không còn quyền đầu tư thiết bị trong thời gian 06 năm tiếp theo. Hơn nữa, Phenikaa cũng đặt nhà máy sản xuất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với Vicostone và nếu Vicostone không có quyết sách phù hợp thì có thể sẽ không đủ năng lực cạnh tranh và phát triển.

Theo đề xuất của nhóm cổ đông Phenikaa đồng thời được sự đồng ý của hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng – chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vicostone – đã mua lại phần vốn góp tại Phenikaa. Tại ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng công bố sở hữu 90% vốn điều lệ của Phenikaa.

Như vậy, lãnh đạo của công ty bị thâu tóm đã “thâu tóm” lại công ty đi thâu tóm. Đây là tình huống khá hiếm thấy trong các thương vụ M&A tại Việt Nam. Với động thái trên, ông Năng đã trở thành người nắm quyền kiểm soát đối với cả Phenikaa lẫn Vicostone.

Sau thương vụ M&A này, cả kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu VCS đều tăng vọt khiến khối tài sản của ông Hồ Xuân Năng cũng nhanh chóng tăng theo. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của VCS lại sụt giảm mạnh. Trong năm 2023, VCS đạt doanh thu thuần 4.354 tỷ đồng, giảm 23% và LNST đạt 846 tỷ, giảm 26% so với cùng kỳ.

photo-1707416994811

Từ những năm 2008- 2009, chủ tịch Hồ Xuân Năng đã dự định đầu tư vào một trường Đại học, nhưng lúc đó khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Vicostone lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, nên ông đành gác lại dự định này. Năm 2015-2016, ông Năng mới quay trở lại để thực hiện ước mơ đó, nhưng mới chỉ mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Phenikaa. Đến cuối năm 2017 ông mới kiểm soát hoàn toàn được Trường Đại học Phenikaa.

Mở rộng sang ngành giáo dục

Sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ, ông Hồ Xuân Năng ở lại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm cán bộ giảng dạy. Do gặp một số khó khăn, năm 1993, ông không ở lại trường nữa mà chuyển sang công tác tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản - Bộ NN&PTNT.

Từ những năm 2008- 2009, ông Hồ Xuân Năng đã dự định đầu tư vào một trường Đại học, nhưng lúc đó khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Vicostone lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, nên ông đành gác lại dự định này. Năm 2015-2016, ông Năng mới quay trở lại để thực hiện ước mơ đó, nhưng mới chỉ mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Phenikaa. Đến cuối năm 2017 ông mới kiểm soát hoàn toàn được Trường Đại học Phenikaa.


Ngọc Điệp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT