Doanh thu của SJC năm 2022 cao nhất trong 9 năm
Trong năm 2022, SJC ghi nhận doanh thu tăng đột biến 53% lên 27.153 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 9 năm qua; lãi ròng ở mức 48,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận doanh thu tăng đột biến 53% lên 27.153 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 9 năm qua.
Tuy nhiên, với giá vốn hàng bán ở mức 26.903,3 tỷ đồng đã "bào mòn" tới hơn 99% doanh thu thuần. Cũng bởi giá vốn nguyên liệu đầu vào cao, biên lợi nhuận gộp của SJC chỉ khoảng 0,92% nhưng đã có sự cải thiện so với tỷ suất 0,74% của cùng kỳ năm 2021.
Cùng kỳ, các loại chi phí cơ bản của SJC như bán hàng hay quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 73% và 35%. Riêng chi phí tài chính tăng mạnh lên hơn 40 tỷ đồng mà chiếm hầu hết là khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh và tổn thất đầu tư.
Việc các loại chi phí tăng cao cũng là nguyên nhân khiến lãi trước thuế chỉ tăng 23%, đạt 69 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này cũng vượt 15% so với mục tiêu ban đầu.
Tổng kết, lãi ròng của SJC năm 2022 bị thu hẹp còn 48,5 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn năm trước đó 12% dù doanh thu tăng tới 53%. Đồng nghĩa, tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu của công ty này chỉ ở mức 0,17%.
Nếu so với kết quả đề ra từ đầu năm, doanh thu thực hiện của doanh nghiệp trong năm 2022 đã vượt 44,7% trong khi lãi ròng vượt 1,4%.
Trên thực tế, các chỉ tiêu kinh tế của SJC biến động mạnh trong năm qua bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, doanh thu của SJC trong năm 2022 tăng cao bởi so với năm 2021 có mức nền thấp do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Thứ hai, nhu cầu mua vàng tăng đáng kể vào năm 2022 do thị trường phục hồi sau dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu giao dịch vàng miếng của người dân tăng vọt bởi giá lập đỉnh lịch sử 74 triệu đồng/lượng.
Năm 2022 đánh dấu sự biến động mạnh của giá vàng miếng. Sau khi lập đỉnh lịch sử quanh mốc 74,4 triệu đồng/lượng hồi tháng 3/2022, giá vàng miếng sau đó có lúc giảm về tới 62 triệu đồng/lượng và kết thúc năm quanh vùng 66 triệu đồng/lượng.
Trên bảng cân đối, tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của SJC đạt 1.739 tỷ đồng, tăng 4,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn, lượng hàng tồn kho với 1.172,9 tỷ đồng chiếm 67,4% tổng tài sản. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền của SJC đạt 276,2 tỉ đồng, tăng 64,5% so với đầu năm 2022.
Trong khi đó, nợ phải trả đến hết năm 2022 của SJC đạt 195,2 tỷ đồng, tăng 27,4% sau 3 tháng. Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.544 tỷ đồng. SJC đang có khoảng 166,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển 18,9 tỷ đồng.
SJC được thành lập từ tháng 6/2010 thông qua việc chuyển đổi từ Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con) sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Trong năm 2023, SJC đặt mục tiêu tập trung sản xuất đầu tư kinh doanh trang sức và hoàn thiện công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu theo quyết định của UBND TP.HCM. Đồng thời, công ty cũng từng bước hiện thực hóa mục tiêu mở rộng phát triển thị trường kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á.
Do chưa nhận được chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 từ UBND TP và cơ quan chuyên môn, SJC dự kiến xây dựng chỉ tiêu doanh thu 30.416 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2022 với mức lợi nhuận sau thuế khoảng 56,6 tỷ đồng.