Doanh thu máy tính đột biến, lãi ròng quý III/2023 của Digiworld vẫn lao dốc
Dù doanh thu máy tính đột biến nhưng mảng điện thoại di động và các mảng khác đều "đi lùi", cộng với chi phí tăng cao khiến lãi ròng quý III/2023 của Digiworld giảm tới 43% chỉ còn hơn 103 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023 vừa công bố, CTCP Thế Giới Số (Digiworld, MCK: DGW, sàn HoSE) ghi nhận tổng doanh thu đạt 5.413 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Nguyên nhân do hầu hết các mảng kinh doanh đều "đi lùi".
Theo DGW, quý III là quý thấp điểm của mảng điện thoại di động, người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu để chuẩn bị cho việc thay mới diện thoại vào quý IV với sự ra mắt của sản phẩm iPhone mới, dẫn đến doanh thu từ mảng điện thoại chỉ đạt 1.774 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Trái lại, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận doanh thu giảm 2% so cùng kỳ, về mức 2.398 tỷ đồng, tuy nhiên lại tăng mạnh 79% so quý II/2023. Nguyên nhân do đây là mùa cao điểm của máy tính xách tay khi học sinh sinh viên mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới.
Với mảng thiết bị văn phòng, doanh thu đạt 907 tỷ đồng, đi ngang so cùng kỳ nhưng tăng 25% so quý 2 nhờ việc DGW đã mua lại 75% vốn Công ty Achison, doanh thu của sản phẩm thiết bị bảo hộ lao động được hợp nhất.
Mảng thiết bị gia dụng ghi nhận giảm 20% so cùng kỳ về mức 163 tỷ đồng do ảnh hưởng bởi nền kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng như bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản ảm đạm.
Còn ngành hàng tiêu dùng đạt tăng trưởng tới 78% so cùng kỳ lên 171 tỷ đồng nhờ việc gia nhập ngành hàng đồ uống và phân phối các sản phẩm bia cao cấp từ ABInbev cũng như các sản phẩm soda sữa, nước trái cây từ Lotte Chilsung.
Sau khi khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của DGW đạt 385 tỷ đồng, giảm 5%; biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ 0.4 điểm phần trăm về mức 7.1%.
Dù doanh thu tài chính tăng nhưng các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều ghi nhận những mức tăng so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 19% lên 261,8 tỷ đồng. Phần tăng chủ yếu đến từ chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ bán hàng và chi phí nhân viên.
Kết quả, Digiworld thu về 103,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2023, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, DGW đạt tổng doanh thu 13.968 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ và đạt 70% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, giảm tới 50% so cùng kỳ và chỉ thực hiện được 66% về lợi nhuận năm.
Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của Digiworld ở mức 7.003 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Khoản tiền và tiền gửi ngân hàng tăng 89% so với hồi đầu năm lên mốc 1.562 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.
Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.541 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36% trong cơ cấu tài sản. Đáng nói, các khoản phải thu của DGW đã tăng đến 61%, chủ yếu đến từ các khoản phải thu khách hàng đối với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT), CTCP Thương mại Dịch vụ Phong Vũ và các khách hàng khác.
Hàng tồn kho cũng chiếm tới 32% trong cơ cấu tài sản với giá trị 2.249 tỷ đồng, giảm 31% so với đầu năm, chủ yếu là hàng hóa bao gồm điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay…
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Digiworld tăng 10% so với đầu năm lên 4.346 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp vay nợ tài chính gần 2.032 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm và chủ yếu là vay ngân hàng gần 2.022 tỷ đồng.
Cụ thể, Digiworld vay Ngân hàng Viecombank 764,7 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV HSBC 533,2 tỷ đồng; Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam 409,4 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam 266 tỷ đồng. Ngoài ra, Digiworld cũng vay Ngân hàng VIB hơn 33 tỷ đồng và Ngân hàng VietinBank 15,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn các khoản vay đều không có tài sản đảm bảo.
Trong kỳ, công ty chỉ thu về 3 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay nhưng phải trả lãi vay hơn 99 tỷ đồng.
Các khoản phải trả người bán ngắn hạn ở mức 1.543 tỷ đồng (chiếm 22% tổng nguồn vốn), tăng 27%, chủ yếu đến từ các nhà cung cấp lớn.