Doji báo lãi ròng bán niên 2023 gần 154 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Doji báo lãi sau thuế khiêm tốn gần 154 tỷ đồng, kém xa nhiều "đối thủ" cùng ngành.

lai-rong-ban-nien-2023-cua-tap-doan-vang-bac-da-quy-doji-sut-giam-85-antt-1694144900.jpg
Lãi ròng bán niên 2023 của DOJI sụt giảm 85%. 

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đăng tải văn bản của Công ty Cổ phần Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI (Tập đoàn DOJI) công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính bán niên 2023.

Theo văn bản này, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn DOJI tính đến hết quý II/2023 so với thời điểm đầu năm tăng nhẹ, từ hơn 6.361 tỷ đồng lên tới gần 6.441 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 1,3%.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn DOJI so với thời điểm cuối năm 2022 tăng từ 1,95 lần lên tới 2,05 lần, tương đương, nợ phải trả tính đến ngày 30/6/2023 là hơn 13.204 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế bán niên 2023 của doanh nghiệp ở mức gần 153,8 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ ngấp nghé ở con số 2,40%.

Ở chiều hướng ngược lại, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn DOJI tính đến hết quý II/2023 so với nửa cuối năm 2022 giảm từ 0,10 lần xuống còn 0,02 lần; tương ứng với số dư nợ trái phiếu mà Tập đoàn DOJI phải trả là hơn 128,82 tỷ đồng.

Thông tin từ HNX, trong giai đoạn năm 2020-2021, Tập đoàn DOJI đã 5 lần chào bán trái phiếu, bao gồm: 7,5 triệu trái phiếu DOJI.L.20.23.001, tổng giá trị 750 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm; 3 triệu mã trái phiếu DVPCH2126001, tổng giá trị 300 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng; 3 triệu mã trái phiếu DVPCH2126002, tổng giá trị 300 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng; 10 triệu mã trái phiếu DVPCH2126003, tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng và 5 triệu mã trái phiếu DVPCH2126004, tổng giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng.

Mục đích của việc chào bán trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động của Tổ chức phát hành. Cụ thể: Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu sẽ được Tổ chức phát hành sử dụng để hợp tác kinh doanh/đầu tư với các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn DOJI nhằm mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực kinh doanh của Tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản và/hoặc với các đối tác trong lĩnh vực tài chính nhằm gia tăng nguồn thu và lợi nhuận cho Công ty.

Cũng theo HNX,DOJI đã tiến hành mua lại các mã trái phiếu DVPCH2126001, DVPCH2126002, DVPCH2126003, DVPCH2126004; đưa mệnh giá sau khi mua lại về 0 đồng;

Riêng đối với mã trái phiếu DOJI.L.20.23.001, DOJI đã tiến hành mua lại 2 lần vào các ngày 1/4/2022 và ngày 10/4/2023, đưa khối lượng còn lại sau khi mua mã trái phiếu này về còn 140 tỷ đồng.

Được biết, Tập đoàn DOJI tiền thân là Công ty phát triển công nghệ và thương mại TTD, thành lập năm 1994. Doji (lúc đó là TTD) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế. TTD cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa sản phẩm Ruby Sao Việt Nam ra thị trường quốc tế với thương hiện Việt Nam Star Ruby. 

Ngoài kinh doanh vàng, bạc, đá quý, DOJI còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu DOJI Land; tài chính - ngân hàng,...

Theo đăng ký thay đổi ngày 28/12/2021, vốn điều lệ của Tập đoàn DOJI tăng từ 3.000 tỷ đồng lên tới 4.500 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn DOJI là ông Đỗ Minh Đức, giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT