Đón hơn 8 triệu lượt khách, doanh nghiệp quản lý loạt bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm sắp "dốc hầu bao" chi trả cổ tức
Doanh nghiệp hiện đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất rất lớn ở Hà Nội chính là địa điểm của các bến xe lớn và đông đúc nhất Thủ đô.
Ngày 6/6 tới đây, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (mã HNB) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6,5%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 650 đồng.
Với 9,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính số tiền HNB cần chi ra vào khoảng 6,2 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Bến xe Hà Nội bao gồm Tổng công ty Vận tải Hà Nội nắm giữ gần 6,4 triệu cổ phiếu (67,06% vốn) và Công ty cổ phần Hợp tác Đầu tư và Phát triển nắm 1,55 triệu cổ phiếu (16,35% vốn), còn lại các cổ đông khác chiếm 16,42% vốn. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến hai cổ đông lớn sẽ thu về lần lượt gần 4,2 tỷ và 1 tỷ đồng.
Doanh nghiệp quản lý các bến xe lớn nhất Hà Nội, đón hàng triệu lượt khách mỗi năm
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội có vốn điều lệ 95 tỷ đồng, chính thức cổ phần hóa vào năm 2014 và cổ phiếu HNB lên giao dịch trên UPCoM từ tháng 10/2014. Hiện HNB đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất rất lớn ở Hà Nội như 19.268 m2 ở số 20 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, 36.231 m2 ở mặt đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai (thời hạn thuê 50 năm), 11.828 m2 ở số 9 đường Ngô Gia Khảm, quận Long Biên, Hà Nội (thời hạn thuê 50 năm). Đây chính là địa điểm của 3 bến xe lớn nhất Hà Nội là bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát và bến xe Gia Lâm.
Theo báo cáo thường niên 2023 của công ty, số lượt xe đạt 1.776.303 lượt xe, tương ứng 100% kế hoạch. Công ty đón 8.155.953 lượt khách, tăng gần 52% so với năm trước và đạt 113% kế hoạch. Doanh thu thuần xấp xỉ 128 tỷ đồng, tăng 31% và đạt 125% kế hoạch đề ra. Kết quả, lợi nhuận trước thuế tăng 82% lên hơn 14 tỷ đồng, vượt 51% so với kế hoạch giao.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của HNB đạt hơn 128 tỷ đồng, trong đó gần 29 tỷ tiền và tương đương tiền, cộng thêm gần 55 tỷ tiền gửi ngân hàng. Nợ phải trả gần 24 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn, vốn chủ sở hữu tăng nhẹ so với đầu năm lên 111 tỷ đồng.
Bước sang năm 2024, HNB dự báo hoạt động vận tải sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do giá nhiên liệu cao, quy định quy hoạch luồng tuyến của Bộ Giao thông Vận tải cũng như việc cạnh tranh của các xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình ngày càng phức tạp. Tốc độ phục hồi của thị trường vận tải khách liên tỉnh đã chững lại. HNB lên mục tiêu đón 1,777 triệu lượt xe, đón 8,3 triệu lượt khách, đều nhích nhẹ so với năm trước. Doanh thu mục tiêu đạt 127,5 tỷ đồng và LNTT hơn 14 tỷ, đi ngang so với năm 2023.
Trên thị trường, sau thông tin cổ tức được công bố, thị giá HNB tăng kịch trần trong phiên 22/5 lên mức 13.300 đồng/cp, tuy nhiên nhanh chóng giảm mạnh 12,78% xuống mức 11.600 đồng/cp khi đóng cửa phiên 23/5. Cơ cấu cổ đông cô đặc khiến giao dịch tại mã này tương đối ảm đạm, nhiều phiên tắt thanh khoản.