Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đơn vị kiểm toán nói gì về báo cáo tài chính 2022 của Vinachem

Lê Đức Bình

Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ghi nhận nhiều chỉ số tích cực trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên bên cạnh đó có nhiều vấn đề được đơn vị kiểm toán nhấn mạnh cùng với ý kiến loại trừ.

don-vi-kiem-toan-noi-gi-ve-bao-cao-tai-chinh-2022-cua-vinachem-antt-1685076174.jpg
Vinachem ghi nhận năm 2022 kết quả kinh doanh tích cực tuy còn một số vấn đề tại các công ty con. Ảnh minh họa: Vietnam Daily.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tuy được kiểm toán xác nhận phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của công ty tại ngày 31/12/2022, cũng như kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ cho năm tài chính kết thúc cùng ngày. Tuy nhiên bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh.

Các ý kiến loại trừ đối với báo cáo tài chính của Vinachem

Theo đó, đối với những tài liệu được công ty cung cấp, đơn vị kiểm toán không thể đánh giá được ảnh hưởng của một số vấn đề được nêu đến Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn. Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, một số dự án của Tập đoàn như: Dự án Khai thác và Chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan tại Lào (Dự án Muối mỏ Lào) hợp đồng với các bên liên quan đã dừng triển khai và đang thực hiện các thủ tục thanh lý. Một số dự án đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án hoàn thành nên có thể phát sinh nợ công trong tương lai với nhà thầu như: Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn năm; Dự án Xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat (DAP) số 2 và Dự Án Mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc.

Đồng thời, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem là các công ty con của Tập đoàn chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công thương; đồng thời chưa thanh toán đầy đủ toàn bộ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Bên cạnh đó, Dự án Muối mỏ Lào có tranh chấp liên quan đến hợp đồng EPC đang được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam giải quyết. Tuy nhiên phía kiểm toán chưa nhận được phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến những tranh chấp đó nên không đánh giá được tác động của các nghĩa vụ tài chính phát sinh tại tranh chấp trên tới báo cáo tài chính.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn đặt ra nghi ngờ về về khả năng hoạt động liên tục tại các công ty con của Tập đoàn như Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH hóa chất và Muối mỏ Việt Lào. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem ghi nhận trong báo cáo tài chính mức Nợ ngắn hạn đã vượt quá Tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu. Công ty TNHH Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào đang thực hiện các thủ tục chấm dứt các hợp đồng với nhà thầu thuộc Dự án Muối mỏ Lào để tiến hành quyết toán, thanh lý hợp đồng.

Đơn vị kiểm toán đặt ra nghi vấn liệu báo cáo tài chính của các công ty con kia hợp nhất vào Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn với giả định các đơn vị này sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không.

Một số vấn đề được kiểm toán nhấn mạnh

Đáng chú ý, kiểm toán có chỉ ra từ báo cáo tài chính rằng khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (Ninh Bình) của Vinachem đã quá hạn thanh toán (trong đó dư nợ gốc quá hạn là 822 tỷ đồng, lãi quá hạn và lãi phạt chậm nộp phát sinh tương ứng là 1.265 tỷ đồng)/ Khoản vay này Vinachem cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vay lại nhưng công ty này chưa thanh toán toàn bộ các khoản nợ vay cho Vinachem. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là “Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cáp công suất 1760 tấn ure/ngày” tạm thời đã được bản giao cho Công ty TNHH Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Ngoài những vấn đề đã nêu về các công ty con của Tập đoàn ở trên, một công ty con khác là Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam phải nộp số tiền 184,5 tỷ đồng để vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Được biết số tiền này đến từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam thu được từ việc ký và thực hiện các hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại LILAMA từ năm 2012-2015.

Đồng thời, đến thời điểm phát hành Báo cáo kiểm toán hợp nhất, Tập đoàn chưa thu thập được Báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập của một số công ty liên kết.

Lãi ròng Vinachem tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 của Vinachem ghi nhận doanh thu thuần tăng 18% so với cùng kỳ, đạt mức 56.493 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng từ 39.503 tỷ lên 43.597 tỷ đồng, tuy nhiên do doanh thu tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp cũng tăng 54% so với thực hiện năm trước, đạt mức 12.896 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 17,5% lên 23%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 145 tỷ so với năm 2021, đạt mức 1780 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 120 tỷ lên tới 2.520 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với mức giá năm trước, lần lượt ở mức 2.513 tỷ và 1.836 tỷ đồng.

Kết quả sau khi trừ hết các loại chi phí, lãi ròng Vinachem tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2021, đạt mức 7.165 tỷ đồng.

Năm 2023, Vinachem đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế đạt 54,549 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 57,152 tỷ đồng; lợi nhuận cộng hợp đạt 3,471 tỷ đồng,…

Về công tác tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, Vinachem đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại 23 doanh nghiệp; tổ chức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán đối với 14 doanh nghiệp; thoái vốn thành công và thành công một phần tại 9 doanh nghiệp. Giá trị thu được là 3,206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần là 2,948 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tập trung ưu tiên trả nợ cho khoản vay của Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đến nay Vinachem đã trả nợ gốc vay là 237.5 triệu USD, tương đương 95% giá trị khoản vay 250 triệu USD. Lũy kế đến hết ngày 31/3/2023, tập đoàn đã trả lãi vay cho Ngân hàng VDB tổng cộng 6,174 tỷ đồng và 4.56 triệu USD cho Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, trong diễn biến mới nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý chủ trương bổ sung ngành nghề điện hóa theo đề xuất của Vinachem; cho rằng, đây không phải là ngành mới, nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp và phù hợp với nhu cầu của thị trường…

Về bổ sung vốn điều lệ, Phó Thủ tướng trên tinh thần là ủng hộ nhưng phải bảo đảm đủ điều kiện và nguồn lực theo quy định để tăng vốn. Theo đó, Vinachem phải tự cân đối nguồn lực để tăng vốn điều lệ để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Liên quan đến xử lý tài chính đối với 3 dự án thua lỗ, kéo dài của Vinachem, Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện phương án với tinh thần "làm sớm ngày nào, hay ngày ấy".

Bình Đức