Đồng Nai gỡ vướng pháp lý cho 4 dự án bất động sản
4 dự án vướng mắc pháp lý tại TP.Đồng Nai bao gồm: Khu dân cư Long Hưng, khu đô thị Waterfront, khu đô thị Aqua City (các dự án thành phần của khu đô thị kinh tế mở Long Hưng); và khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng.
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai và đề xuất hướng giải quyết cho những vướng mắc về thủ tục pháp lý tại 4 dự án khu đô thị, khu dân cư thuộc phân khu C4, khu vực xã Long Hưng và phường Tam Phước, TP. Biên Hoà.
4 dự án vướng mắc pháp lý tại TP.Đồng Nai bao gồm: Khu dân cư Long Hưng, khu đô thị Waterfront, khu đô thị Aqua City (các dự án thành phần của khu đô thị kinh tế mở Long Hưng); và khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng.
Trước đó, trong giai đoạn 2007 - 2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã duyệt các quy hoạch như quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 xã Long Hưng, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu dân cư Long Hưng, khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp Cù Lao Phước Hưng.
Đồng thời dựa trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tiếp tục duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho 4 dự án trên. Sau khi quy hoạch chung năm 2014 được phê duyệt, năm 2016, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục duyệt quy hoạch phân khu C4.
Cả 4 dự án đều có vướng mắc pháp lý chủ yếu chưa có sự đồng bộ giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết từng dự án so với quy hoạch chung năm 2014. Cụ thể là chưa thống nhất việc bố trí các khu chức năng dịch vụ - công cộng cấp đô thị, khu công viên cây xanh - công viên ven sông, rạch.
Phía UBND tỉnh Đồng Nai, nhằm mục đích gỡ vướng mắc cho các dự án này đã kiến nghị cho tỉnh này được điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung năm 2014 tại 3 khu vực, trong đó có dự án Aqua City thuộc phân khu C4. Được biết, cả 4 dự án thuộc quy hoạch phân khu C4 đã được các chủ đầu tư triển khai theo các thủ tục đầu tư được chấp thuận.
Do đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, phê duyệt các nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung năm 2014 theo thẩm quyền của tỉnh.
Đáng chú ý, riêng dự án khu đô thị dịch vụ thương mại Cù lao Phước Hưng quy mô 286 ha còn gặp vướng mắc về việc bố trí nhà ở xã hội ngoài việc vướng quy hoạch như kể trên. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2011, UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch chi tiết năm 2012.
Phía UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu quỹ đất nhà ở xã hội của dự án này là 27,6 ha, được bố trí trong dự án Khu dân cư cho người thu nhập thấp và nhà ở xã hội tại xã Tam Phước, TP. Biên Hoà của Công ty Cổ phần Tràng An. Tuy nhiên, tổng diện tích dự án của Công ty Cổ phần Tràng An được phê duyệt là 46,8ha và quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án chỉ có 22,7ha, không đủ quỹ đất nhà ở xã hội theo yêu cầu của khu đô thị Cù lao Phước Hưng.
Đến năm 2020, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho chủ đầu tư khu đô thị Cù lao Phước Hưng chuyển nhượng 5 phân khu thuộc dự án cho các doanh nghiệp với tổng diện tích 249 ha. Còn lại 37 ha đã được chủ đầu tư đề nghị chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư thành dự án riêng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cho phép chủ đầu tư không cần dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội ngay dự án mà bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thay thế tại dự án của Công ty Cổ phần Tràng An.
Do kế thừa quyền và nghĩa vụ từ chủ đầu tư khu đô thị Cù lao Phước Hưng nên tại 5 phân khu đã chuyển nhượng, chủ đầu tư các dự án thành phần cũng không bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, dự án khu đô thị Cù lao Phước Hưng được chấp thuận chủ trương đầu tư và duyệt quy hoạch chi tiết giai đoạn 2011 – 2012 nên việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại dự án phải được thực hiện theo Nghị định số 71/2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2010).
Vậy nên việc UBND tỉnh Đồng Nai cho chủ đầu tư bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thay thế tại dự án của Công ty CP Tràng An là không có cơ sở pháp lý, chưa đảm bảo quy định pháp luật về nhà ở. Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án khu đô thị Cù lao Phước Hưng và việc không bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội tại dự án phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Yêu cầu cá nhân, cơ quan và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm về tính chính xác về số liệu báo cáo, thực tế triển khai đầu tư xây dựng dự án, việc quản lý quỹ đất nhà ở xã hội của dự án và chịu trách nhiệm trước Chính phủ khi chưa thực hiện đúng quy định pháp luật nhà ở.