Đồng USD lên cao nhất 3 tháng, tỷ giá có đáng lo ngại?

Đồng USD bật tăng sau dữ liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo làm dấy lên lo ngại về khả năng thời kỳ lãi suất cao sẽ kéo dài hơn.

Đồng USD lên cao nhất 3 tháng, tỷ giá có đáng lo ngại?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo dữ liệu của MarketWatch, US Dollar Index (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế - đã chạm mức cao nhất 3 tháng và tiến sát mốc 105 điểm. Trong phiên gần nhất nhất chỉ số này đã tăng 0,76% - mức tăng theo ngày tốt nhất kể từ đầu tháng 2.

Chỉ số đồng USD bật tăng sau dữ liệu lạm phát của Mỹ cao hơn dự báo làm dấy lên lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.

Số liệu được công bố ngày 13/2 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,3% trong tháng 1/2024, cao hơn đôi chút so với dự báo tăng 0,2% mà các nhà phân tích của Reuters đưa ra. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát đã tăng 3,1%, cao hơn so với ước tính là tăng 2,9%.

Giám đốc điều hành Dec Mullarkey tại SLC Management ở Boston, nhận định thông điệp chính mà thị trường đón nhận đó là chỉ số CPI đang tăng chậm lại nhưng vẫn cao hơn dự kiến. Kết quả này đã củng cố/ủng hộ quyết định của Fed trong việc tiếp tục chờ đợi một sự đảm bảo chắc chắn hơn rằng lạm phát được kiềm chế tốt.

Theo dự báo của London Stock Exchange Group (LSEG), sau số liệu lạm phát mới nhất của Mỹ, khả năng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong tháng 3 và chưa đến 50% cơ hội lãi suất sẽ cắt giảm trong tháng 5/2024. Lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed hiện dự kiến sẽ diễn ra tại cuộc họp tháng 6/2024, với xác suất khoảng 80%.

Thị trường cũng đã tính đến khả năng sẽ có khoảng ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, phù hợp với dự báo lãi suất của Fed, hay còn gọi là "biểu đồ dấu chấm" được công bố vào tháng 12/2023.

Đồng USD lên cao nhất 3 tháng, tỷ giá có đáng lo ngại?- Ảnh 2.

Diễn biến US Dollar Index trong 1 năm qua (Nguồn: MarketWatch)

Trong nước, thị trường ngân hàng vẫn trong thời gian nghỉ lễ. Trước đó, giá USD tại các ngân hàng đã giảm mạnh trong tuần đầu tháng 2, sau khi tăng nóng vào tháng 1. So với mức đỉnh ghi nhận vào ngày 26/1, giá USD tại Vietcombank đã giảm 0,8% và dừng ở mức 24.200 – 24.570 VND/USD trước kỳ Nghỉ Tết. Trên thị trường chợ đen, giá USD hiện được giao dịch trong khoảng 24.900 - 25.000 đồng/USD.

Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong tháng 1, nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất - nhập khẩu và theo đó đẩy tăng đáng kể tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng với mức tăng có thời điểm trên 1%. Kết thúc tháng 1, VND giảm giá khoảng 0,72% so với đồng USD. Trong đó, mức giảm giá được thu hẹp đáng kể vào thời điểm cận tết Nguyên đán chủ yếu do yếu tố thuận lợi từ kiều hối về nhiều ước đạt 16 tỷ USD năm 2023 (+30%).

VCBS nhận định, mặt bằng lãi suất tiếp tục phá sâu vùng đáy khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao. Theo đó, khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu, và diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào cung ngoại tệ tại từng thời điểm với các yếu tố chi phối thuộc về dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp, kiều hối,…

Đồng USD lên cao nhất 3 tháng, tỷ giá có đáng lo ngại?- Ảnh 3.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, tỷ giá USD/VND vẫn chịu nhiều áp lực tăng trong những tháng đầu năm 2024 do sự phục hồi của đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế và chênh lệch dương của lãi suất USD - VND vẫn neo ở mức cao.

Theo VDSC, dù bối cảnh kinh tế năm 2024 là khác biệt, một so sánh về biến động của giá dầu, đồng USD và giá vàng trong giai đoạn Fed nới lỏng (2019-2021) và thắt chặt chính sách tiền tệ (2022-2023) đưa ra một số hàm ý.

Thứ nhất, trong giai đoạn Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, đồng USD biến động tăng giá mạnh trong giai đoạn đầu và duy trì sức mạnh suốt một thời gian sau đó khi lãi suất neo ở mức cao.

Thứ hai, ở thời kỳ Fed cắt giảm lãi suất, các bước cắt giảm đầu tiên không tạo ra nhiều thay đổi với xu hướng của đồng USD, và sự suy giảm của đồng USD chỉ diễn ra sau đó khi chu kỳ cắt giảm lãi suất đi đến hồi kết.

Thứ ba, biến động giá dầu và giá vàng trong thời kỳ nới lỏng và thắt chặt chính sách của Fed khá thú vị. Cụ thể, dầu thô trải qua biến động tăng và giảm mạnh nhưng xu hướng chung là tăng trong thời kỳ Fed nới lỏng và giảm trong thời kỳ Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong khi đó, giá vàng tăng giá trong cả hai thời kỳ.

"Nhìn lại lịch sử có thể giúp dự báo một phần biến động tỷ giá trong thời gian tới, và việc đồng USD neo cao trong thời kỳ đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và diễn biến này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024", VDSC dự báo.


Quang Hưng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT