Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam trong tháng đầu tiên năm 2024
Trong tháng 1/2024, có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9% so với cùng kỳ.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/1/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh.
Trong tháng có 190 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 24,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 66,9%. Sự tăng mạnh về số dự án cùng sự xuất hiện của dự án quy mô lớn (hơn 600 triệu USD) là một trong những nhân tố chính thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh.
Ngoài ra, tháng 1/2024 còn có 75 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 15,7% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 235,4 triệu USD, giảm 23,1% so với cùng kỳ và có 174 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 14,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 116,5 triệu USD, giảm 33,1% so với cùng kỳ.
Cùng với xu hướng tích cực của vốn đăng ký, vốn giải ngân cũng rất khả quan với mức tăng 9,6% so với tháng 1/2203 khi các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân được 1,48 tỷ USD.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành hoạt động kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 926 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 65,2 triệu USD và gần 54,5 triệu USD.
Về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 49,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng số lượt điều chỉnh vốn cao nhất (73,3%).
Về đối tác đầu tư, đã có 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2024; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là Sa-moa, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc),…
Về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,3%).
Hiện, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 35 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1/2024. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư của Hà Nội tăng mạnh do có dự án đầu tư mới lớn với tổng vốn đầu tư hơn 662 triệu USD với mục tiêu đầu tư dự án khu đô thị mới ở Hà Nội. Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,1%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 78,2%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 16%).
Để tăng cường thu hút FDI, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu; quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.
Về phía địa phương, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như: đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan...
Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng sẽ đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới; đồng thời, sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư,..