Dòng vốn từ Bắc Âu "đổ bộ": Xuất hiện cái tên mới gia nhập top nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam
2 quốc gia ở Bắc Âu này đang trở thành những nhà đầu tư chiến lược vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2025.

Thụy Điển là một trong những nền kinh tế lớn tại khu vực Bắc Âu.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia dẫn số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), cho thấy tính đến ngày 30/6/2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, vốn cấp mới đạt 9,29 tỷ USD, từ 1.988 dự án, tăng 21,7% về số dự án. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút vốn nhiều nhất, chiếm hơn 54% tổng vốn cấp mới.
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư mới vào Việt Nam, Thụy Điển bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba, với 1 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đăng ký mới – chỉ xếp sau Singapore và Trung Quốc.
Thương vụ nhận định, việc Thụy Điển vượt lên nhóm dẫn đầu về số vốn FDI cấp mới không chỉ là dấu hiệu tăng cường đầu tư, mà còn là chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp Bắc Âu đang có chiến lược dài hạn tại Việt Nam. Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất gồm: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, logistics xanh, dịch vụ tài chính – bảo hiểm và giải pháp chuyển đổi số.
Bên cạnh Thụy Điển, Thương vụ cho biết Đan Mạch cũng nổi lên trong thời gian gần đây như một đối tác đầu tư đáng chú ý, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh. Các tập đoàn hàng đầu Đan Mạch như Ørsted, Vestas hay COWI đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam trong các dự án điện gió ngoài khơi, hạ tầng logistics, tư vấn kỹ thuật và phát triển bền vững.
Nổi bật nhất là dự án của Tập đoàn Lego (Đan Mạch), trị giá 1 tỷ – 1,3 tỷ USD, đã chính thức khánh thành vào tháng 4/2025 tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ sáu của Lego trên thế giới và là dự án carbon‑neutral đầu tiên của hãng tại Việt Nam, sử dụng 100% năng lượng tái tạo (điện mặt trời và pin lưu trữ) từ đầu năm 2026.
Dự án không chỉ tạo ra khoảng 4.000 việc làm, mà còn đặt nền móng cho một chuỗi cung ứng sạch – xanh – bền vững, đồng thời có kế hoạch mở thêm trung tâm phân phối tại Đồng Nai nhằm phục vụ thị trường châu Á.

Đan Mạch là quốc gia có thể mạnh về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh.
Thương vụ cho biết, theo giới chuyên gia, xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ các trung tâm công nghiệp truyền thống của châu Âu sang Đông Nam Á, đặc biệt là từ Bắc Âu vào Việt Nam, phản ánh nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng hậu Covid-19 và phù hợp với các cam kết môi trường – xã hội – quản trị (ESG) mà các nhà đầu tư Bắc Âu đặc biệt quan tâm.
Thụy Điển và Đan Mạch đều là những quốc gia đi đầu về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững – những tiêu chí đang trở thành lợi thế cạnh tranh chính của Việt Nam trong thu hút FDI chất lượng cao.
Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 1,48 tỷ USD. Thụy Điển đứng thứ 29/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 743,39 triệu USD. Hiện có hơn 70 doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam như ABB, Ericsson, IKEA, Volvo, H&M…
Đan Mạch hiện có 174 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn hơn 2 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào chế biến - chế tạo, bán lẻ và logistics.
Phan Trang