Đốt 20 tỷ USD: Hành trình khởi nghiệp đến thất bại của tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ, luôn thích đánh cược số phận khi không chịu làm một ‘nhân viên quèn’

Với máu liều từ thời trẻ, tỷ phú Charles Ergen đã có những ván cược thành công để dựng lên sự nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Thế nhưng giờ đây, vị tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ này đang phải đứng trước ván bài khó khăn nhất cuộc đời.

Đốt 20 tỷ USD: Hành trình khởi nghiệp đến thất bại của tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ, luôn thích đánh cược số phận khi không chịu làm một ‘nhân viên quèn’ - Ảnh 1.

Ông Charles Ergen

Vào đầu năm 2015, ông Charles Ergen là người giàu nhất vùng Colorado và là tỷ phú giàu thứ 24 tại Mỹ. Doanh nghiệp Dish Network của Ergen chuyên sản xuất chương trình truyền hình phát qua vệ tinh có đến 14 triệu hộ gia đình đăng ký sử dụng, giúp tổng mức vốn hóa của hãng lên đến gần 37 tỷ USD.

Công ty thứ 2 của Ergen là EchoStar, chuyên cung cấp dịch vụ kỹ thuật truyền hình vệ tinh cũng thành công không kém khi ăn theo Dish Network.

Tại thời điểm đỉnh cao này, tổng tài sản của Ergen lên đến 20,1 tỷ USD theo tính toán của tờ Forbes.

Thế rồi xu thế truyền hình phát trực tuyến (Streaming) bùng nổ với những cái tên đình đám như Netflix, Hulu đã khiến số hộ gia đình đăng ký Dish Network rơi xuống chỉ còn 6,7 triệu. Nếu tính riêng trong năm 2023, doanh nghiệp của Ergen đã mất đến 900.000 khách hàng.

Giá cổ phiếu của hãng này cũng giảm 93% từ mức đỉnh 70,83 USD/cổ xuống chỉ còn 4,88 USD/cổ. Riêng trong năm 2023, giá cổ phiếu của Dish đã mất đến 54%.

Với EchoStar, doanh thu 12 tháng tính đến tháng 9/2023 của hãng chỉ đạt 1,8 tỷ USD, bằng một nửa so với 3,4 tỷ USD cách đây 9 năm.

Vậy là tổng tài sản của Ergen bốc hơi 20 tỷ USD, suy giảm 94% kể từ năm 2015 trong khi chỉ số S&P 500 tăng đến 125% trong cùng kỳ. Hiện Ergen chỉ còn chưa đến 800 triệu USD tài sản tính đến tháng 11/2023 và lần đầu tiên kể từ năm 1998 đến nay rơi khỏi bảng xếp hạng tỷ phú.

Đốt 20 tỷ USD: Hành trình khởi nghiệp đến thất bại của tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ, luôn thích đánh cược số phận khi không chịu làm một ‘nhân viên quèn’ - Ảnh 2.

Giờ đây với tâm thế “được ăn cả ngã về không”, doanh nhân Ergen quyết tâm tái cơ cấu lại mô hình kinh doanh để được làm tỷ phú một lần nữa. Vị cựu chuyên gia đánh bài poker này quyết định hợp nhất Dish Network với EchoStar, đồng thời tái cơ cấu từ kinh doanh truyền hình trả phí sang thuần dịch vụ vận hành Internet không dây 5G.

Ván cược này của Ergen được đánh giá là khá rủi ro khi công nghệ 5G còn khá mới mẻ và vẫn còn đang được thử nghiệm. Trong khi đó để tái cơ cấu, bản thân Dish Network vốn đang ngập trong nợ lại phải tìm thêm nguồn vốn cho dự án kinh doanh mới.

Hiện Dish đang có 21 tỷ USD vay nợ và khoảng 3 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm 2024. Tuy nhiên có lẽ chính vì nợ quá nhiều và sắp phá sản mà Ergen quyết định đánh cược sự nghiệp của mình một lần cuối.

“Chẳng còn cách nào khác, với tình cảnh này thì Ergen buộc phải có những bước đi mạo hiểm”, nhà sáng lập Roy Chua của AvidThink nhận định.

Sau khi các cơ quan quản lý thông qua việc sáp nhập của Ergen, giá cổ phiếu công ty đã tăng 31% và giúp Ergen trở lại danh sách các tỷ phú Mỹ với 1,3 tỷ USD.

Mặc dù các nhà đầu tư dự đoán Ergen có thể thanh toán được đợt nợ thứ nhất trong năm tới nhưng giới chuyên gia lại lo ngại về dài hạn khi mảng kinh doanh này sẽ khiến công ty cần tìm thêm vốn để hoạt động, trong khi khoản nợ đọng ngày một lớn dần.

Khởi nghiệp nhờ máu liều

Sinh năm 1953 tại Tennessee-Mỹ, bản thân Charles Ergen đã có máu liều từ bé. Sau khi bố mất vào năm Ergen 18 tuổi, chàng thanh niên này đã phải tự lo lấy thân mình. Để có tiền học đại học, Ergen đã dồn số tiền tiết kiệm được đi đánh poker và may mắn giành chiến thắng thường xuyên.

Sau khi có bằng thạc sĩ và mất vài năm làm nghề kiểm toán, chuyên gia phân tích...ông Ergen nhận ra mình chẳng còn muốn làm một nhân viên quèn nữa và quyết định đánh bạc cuộc đời làm công ăn lương của mình.

Vậy là vào năm 1980, nhà khởi nghiệp này sáng lập nên EchoStar cùng với người vợ tương lai Cantey McAdam của mình. Họ rong ruổi khắp nước Mỹ trên xe bán tải chỉ để bán ăng ten phát sóng truyền hình cho các hộ gia đình. Đã có những thời điểm cùng cực nhất cuộc đời khởi nghiệp khi Ergen chứng kiến một cơn gió lốc thổi bay hơn một nửa số hàng của mình trên chiếc xe bán tải.

Đốt 20 tỷ USD: Hành trình khởi nghiệp đến thất bại của tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ, luôn thích đánh cược số phận khi không chịu làm một ‘nhân viên quèn’ - Ảnh 3.

Tên lửa phóng vệ tinh của Dish Network

Sau vài năm kinh doanh, Ergen cùng vợ quyết định xây dựng mạng lưới truyền hình riêng của mình thay vì đi bán ăng ten cho các kênh truyền hình khác. Với khoảng 63 triệu USD nhờ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cùng các lần phát hành trái phiếu khác, công ty của Ergen quyết định dồn tiền phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo vào năm 1995.

Đây lại là một lần đánh bạc nữa của Ergen khi ông sử dụng tên lửa của CGWWIC đến từ Trung Quốc với tỷ lệ thành công chỉ vào khoảng 50% nhưng có ưu thế giá rẻ. Chính bán thân Ergen cũng thừa nhận rằng sự nghiệp của mình sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu vụ phóng thất bại do công ty đã cạn vốn. May mắn thay vụ phóng thành công đã giúp Ergen hình thành nên Dish Network sau này.

Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, EchoStar của Ergen đã có hơn 1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ, đồng thời lượng hộ gia đình đăng ký truyền hình vệ tinh của họ cũng tăng trưởng nhanh gấp 6 lần so với đối thủ DirectTV.

Đến năm 1997, ván cược thành công của Ergen giúp ông lần đầu tiên lọt vào danh sách The Forbes 400 với tổng tài sản ước tính 500 triệu USD.

Bị ghét nhất Hollywood

Thành công nhờ khởi nghiệp bằng máu liều là vậy nhưng Ergen lại bị đánh giá là “người đàn ông bị ghét nhất Hollywood”, đồng thời công ty Dish cũng bị gán cho cái mác “doanh nghiệp tệ nhất với người lao động” vào đầu thập niên 2010.

Một phần nguyên nhân đến từ tích hà khắc, tiết kiệm của Ergen với nhân viên. Nhà khởi nghiệp này thậm chí ép các giám đốc cấp cao của doanh nghiệp tỷ USD phải chia sẻ chung phòng khách sạn khi đi công tác, hoặc đặt những chuyến bay qua đêm giá rẻ nếu có thể.

Đốt 20 tỷ USD: Hành trình khởi nghiệp đến thất bại của tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ, luôn thích đánh cược số phận khi không chịu làm một ‘nhân viên quèn’ - Ảnh 4.

Không phải ngẫu nhiên mà Ergen và công ty của mình bị nhiều người căm ghét. Trong suốt quãng thời gian dài hoạt động, công ty này nhiều lần dính vào các vụ kiện cáo vi phạm bản quyền, phân biệt giới tính, đối xử bất công với nhân viên và khách hàng...

“Tôi không nghĩ rằng công ty của Ergen có thể tự hào là một doanh nghiệp vĩ đại như họ từng quảng bá. Nếu nhìn vào lịch sử hoạt động của Dish thì bạn sẽ rất khó tìm thấy được điểm gì đáng để tự hào”, giám đốc Craig Moffett của MoffettNathanson nhận định.

Về phía bản thân, Ergen cũng đã nhiều lần đặt cược sau thành công phóng vệ tinh nhưng hầu như thất bại.

Năm 2011, Ergen mua lại hãng cho thuê băng đia đã phá sản Blockbuster với giá 320 triệu USD với kỳ vọng dùng kho lưu trữ điện ảnh làm đối trọng với Netflix, đồng thời bán các thiết bị Internet không dây tại hệ thống phân phối của Blockbuster.

Tuy nhiên cả 2 kế hoạch này đều phá sản.

Năm 2015, Ergen tiếp tục ra mắt dịch vụ truyền hình trực tuyến trực tiếp đầu tiên tại Mỹ mang tên SlingTV. Thế nhưng dịch vụ này cũng nhanh chóng bị lãng quên trước các đối thủ như Youtube TV hay Hulu Live.

Kể từ đây, sự nghiệp của Ergen hầu như chỉ đi xuống khi mảng truyền hình trực tuyến cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Một cựu giám đốc nói với Forbes rằng nguyên nhân chính là do văn hóa làm việc quá chi li của Ergen khiến đội ngũ nhân sự cấp cao không ổn định. Trong 10 năm tính đến năm 2022, khoảng 24 giám đốc cấp cao đã được luân chuyển trong đội ngũ điều hành, trong đó có 3 người tại vị chưa đến 1 năm.

“Mọi người chẳng muốn ở lại khi chứng kiến văn hóa làm việc như vậy. Ông Ergen là một người thông minh, có tầm nhìn nhưng lại quá cứng đầu. Nhà khởi nghiệp này đang mất tiền chỉ vì quá tiết kiệm, không muốn trả nhiều tiền cho nhân viên làm việc, kể cả với các vị trí quan trọng như giám đốc cấp cao”, cự giám đốc trên cho hay.

Canh bạc mới

Với Ergen, công nghệ 5G đang trở thành niềm hy vọng cuối cùng. Bản thân Dish Network của ông giờ như một chiếc thuyền chìm nhanh và 5G trở thành chiếc phao cứu sinh.

Riêng trong quý vừa qua, Dish Network đã mất 225.000 khách hàng đăng ký dịch vụ, qua đó cho thấy mảng truyền hình của hãng đã dần lụi tàn.

Đốt 20 tỷ USD: Hành trình khởi nghiệp đến thất bại của tỷ phú giàu thứ 24 nước Mỹ, luôn thích đánh cược số phận khi không chịu làm một ‘nhân viên quèn’ - Ảnh 5.

Thế nhưng theo Forbes, ngay cả khi dịch chuyển sang công nghệ 5G thì rủi ro vẫn rất lớn do chúng là kỹ thuật mới, cần hàng tỷ USD đầu tư trong khi Ergen lại nợ ngập đầu. Hiện Dish Network chỉ còn 3 tỷ USD tài sản.

Ngay cả khi tìm được nguồn vốn thì 5G cũng sẽ chưa cho lợi nhuận ngay vì còn quá mới, do đó cần thời gian để thu hồi vốn nếu thực sự thành công như mong đợi. Tuy nhiên thứ Ergen thiếu nhất hiện nay lại chính là thời gian.

Báo cáo quý III/2023 cho thấy Dish Network đang lỗ ròng 139 triệu USD và tỷ lệ đòn bẩy (Leverage Ratio) của hãng lên đến gần 11 lần EBITDA, tức cao gấp 4 lần so với mức bình quân an toàn của các hãng truyền hình, truyền thông bình thường.

“Thực tế là Ergen chẳng thể tìm thêm tiền đầu tư kinh doanh nữa rồi. Đế chế của ông ấy đang trên đà phá sản, có chăng là khi nào vỡ nợ mà thôi”, giám đốc Craig Moffett kết luận.

Leverage ratio - Tỷ lệ đòn bẩy là nhóm những chỉ số tài chính cho biết mức độ và cách mà doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay cho hoạt động kinh doanh, từ đó đánh giá rủi ro tài chính (rủi ro vỡ nợ) của doanh nghiệp.

*Nguồn: Forbes

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT