Đột kích một kho hàng, công an triệt phá đường dây bán mỹ phẩm và hóa chất tẩy rửa giả, tịch thu hơn 400.000 sản phẩm trị giá 16 tỷ đồng

Cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 400.000 sản phẩm mỹ phẩm và hóa chất tẩy rửa giả, sau cuộc điều tra liên quan đến một trường hợp tử vong nghi do hít phải khí độc từ sản phẩm.

Bangkok Post đưa tin, Cảnh sát Thái Lan vừa thu giữ hơn 400.000 sản phẩm mỹ phẩm và hóa chất tẩy rửa không đạt chuẩn, với tổng giá trị ước tính hơn 20 triệu baht (tương đương khoảng 16,3 tỷ đồng), sau cuộc đột kích vào một kho hàng tại quận Lad Krabang, Bangkok. Chủ kho là một nhà đầu tư Trung Quốc, trong khi người giám sát và lực lượng lao động là người Thái và lao động nhập cư.

Cuộc đột kích diễn ra ngày 21/7, sau cuộc điều tra liên quan đến một trường hợp tử vong nghi do hít phải khí độc từ sản phẩm thông tắc đường ống. Dù cảnh sát chưa công bố chi tiết, một sự việc tương tự từng được ghi nhận tại tỉnh Chon Buri vào năm ngoái.

Theo Đại tá Anuwat Rakcharoen – Phó chỉ huy Sở Cảnh sát Bảo vệ Người tiêu dùng – lệnh khám xét đã được Tòa án Hình sự Minburi phê duyệt sau quá trình mở rộng điều tra. Khi ập vào nhà kho, cảnh sát bắt quả tang nhiều công nhân nước ngoài đang đóng gói hàng hóa để giao cho khách mua.

Tổng cộng 413.746 sản phẩm giả bị thu giữ, bao gồm bột giặt, nước xả vải, dung dịch vệ sinh, hóa chất tẩy rửa đa năng mang nhãn hiệu “Seaways”, cùng nhiều loại mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem chống nắng nhãn hiệu “Dr Leo”. Cảnh sát xác định một số sản phẩm có chứa thành phần hóa học độc hại.

Điều đáng lo ngại là toàn bộ lô hàng không có giấy phép nhập khẩu cũng như chứng nhận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA). Theo điều tra ban đầu, số hàng này được nhập lậu từ Trung Quốc.

Người giám sát kho – bà Authumwan, quốc tịch Thái Lan – cho biết nhà kho được một nhà đầu tư Trung Quốc thuê từ khoảng ba năm trước, chủ yếu để lưu trữ và đóng gói hàng hóa cho các đơn hàng trên nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada. Công nhân làm việc tại đây chủ yếu là lao động nhập cư, được trả từ 5 đến 7 baht cho mỗi đơn vị hàng đóng gói.

Bà Authumwan cũng cho biết mọi thông tin đơn hàng và khách hàng được gửi sang Trung Quốc để các cửa hàng tại đó xử lý và cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, danh tính các cửa hàng này hiện chưa được tiết lộ.

Với khối lượng hàng giao dịch từ 7.000–9.000 sản phẩm mỗi ngày, hoạt động buôn bán hàng giả trái phép này đã tồn tại trong thời gian dài mà không bị phát hiện.

Cảnh sát Thái Lan khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ các chứng nhận FDA trước khi mua mỹ phẩm hay hóa chất gia dụng, đặc biệt là từ các kênh mua sắm trực tuyến. Những sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa hóa chất nguy hiểm, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng.

Khánh Vy

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT