Dự án hơn 34.000 tỷ đồng đi qua 6 quận Hà Nội: công nhân tất bật, “quái vật công nghệ” 850 tấn nhập khẩu từ Đức sắp vận hành

Trong năm 2024, robot đào hầm nối thông 4 ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sắp được vận hành.

Dự án hơn 34.000 tỷ đồng đi qua 6 quận Hà Nội: công nhân tất bật, “quái vật công nghệ” 850 tấn nhập khẩu từ Đức sắp vận hành- Ảnh 1.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể 78,52%

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) có tổng chiều dài tuyến chính 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4km. Dự án đi qua 6 quận, gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình với tổng mức đầu tư là 34.826,05 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội gồm 12 ga (8,5 km đi trên cao với 8 ga trên cao và 4 km đi ngầm với 4 ga ngầm ). Tuyến có điểm đầu tại Nhổn, điểm cuối tại ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo).

8 ga trên cao gồm các ga tại Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy). 4 ga ngầm này gồm ga ngầm S9 (Cầu Giấy), ga ngầm S10 (Cát Linh), ga ngầm S11 (Văn Miếu), ga ngầm S12 (Trần Hưng Đạo - ga Hà Nội).

Trong 4 ga ngầm, hiện ga S12 đoạn trước ga Hà Nội vừa được các đơn vị thi công khoan đào ngầm xong bên dưới, đang tiến hành thi công các hạng mục tiếp theo, 2 cửa hầm lên xuống ga cũng đã nổi trên mặt đất, hoàn trả 1 phần phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) chuẩn bị phục vụ giao thông.

Báo cáo tại hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng sáng 9/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể 78,52% giá trị hợp đồng (tăng hơn 1% so với tháng trước). Hiện nay, công nhân đang tập trung thi công kết cấu khu vực ga ngầm để chuẩn bị cho máy khoan hầm robot làm việc.

Dự án hơn 34.000 tỷ đồng đi qua 6 quận Hà Nội: công nhân tất bật, “quái vật công nghệ” 850 tấn nhập khẩu từ Đức sắp vận hành- Ảnh 2.

Quái vật công nghệ TBM sắp được vận hành

Nhà thầu dự kiến vận hành robot khoan hầm công nghệ (TBM) trong quý 2 năm 2024. Thời điểm về Việt Nam chiếc máy này được mệnh danh là hiện đại hàng đầu thế giới và đã hoàn thành lắp đặt cách đây 2 năm.

Bộ đôi robot công nghệ mang tên 'Thần tốc' và 'Táo báo' được nhập từ Đức về Việt Nam để làm đường hầm dài 4,5km của tuyến đường sắt Nhổn ga - Hà Nội. Mỗi máy có chiều dài hơn 90m, nặng khoảng 850 tấn, đủ để chứa thiết bị và công nhân vận hành.

Robot đào hầm là cỗ máy do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo với công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine). Máy có nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải...

Máy TBM hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở. Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị đặc biệt đặt trực tiếp trong thân máy.

Việc đưa robot vào thi công sẽ đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính chính xác, giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh. Trong quá trình robot đào hầm, nhà thầu sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên, nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc… vượt mức cho phép thì máy sẽ tạm dừng đào để xử lý.

Minh Tiến

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT