Dự án ‘Vạn lý Trường thành xanh’ kéo dài suốt 17 năm giúp ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, chi phí ước tính tới gần 50 tỷ USD, sẽ tạo ra 10 triệu việc làm

Sau 17 năm, dự án Vạn lý Trường thành xanh đã khôi phục hơn 7,7 triệu hecta đất dọc châu Phi.

Anh nông dân Ibrahima Fall đang đi bộ dưới bóng mát của hàng chục cây chanh, dùng vòi tưới nước cho chúng. Dưới chân anh, đàn gà con lông vàng óng nhào nhào chạy theo chủ. 

Chia sẻ với phóng viên, Ibrahima Fall cho biết mình bắt đầu chanh từ năm 2016, tháng cao điểm có thể xuất bán 20 - 40kg chanh/tuần. Nguồn thu nhập rất cao so với khoảng thời gian trồng lạc trước đây.

Vườn chanh của Fall nằm trong số 800 vườn chanh nhỏ tại thị trấn Kebemer. Từ việc bán chanh, người dân có tiền để xây dựng nhà gạch, xi măng kiên cố thay thế những căn nhà rơm lụp xụp, mua thêm gia súc, gia cầm để chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. 

Tuy nhiên, hướng mắt nhìn ra ngoài "bức tường cây" xanh mát này, dễ dàng nhận ra một tình cảnh hoàn toàn trái ngược: đất đai khô cằn, hoang vắng.

Trong suốt nhiều thập kỷ, công cuộc chặt phá rừng mở rộng đất nông nghiệp đã làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa tại các lục địa châu Phi. Lớp đất màu mỡ trở nên khô cằn và cho năng suất kém hơn bao giờ hết.

Dự án ‘Vạn lý Trường thành xanh’ kéo dài suốt 17 năm giúp ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, chi phí ước tính 36 - 49 tỷ USD, sẽ tạo ra 10 triệu việc làm - Ảnh 1.

Vườn chanh của anh nông dân Ibrahima Fall

Để cải thiện, hàng chục quốc gia châu Phi đang triển khai một dự án đầy tham vọng mang tên Bức tường xanh vĩ đại (Vạn lý Trường thành xanh) để trồng cây và hoa màu trên 100 triệu hecta đất, khu vực rộng gấp 2,3 lần California. Dự án với chi phí ước tính khoảng 36 - 49 tỷ USD, kéo dài suốt 17 năm, dự kiến tạo ra 10 triệu việc làm cũng như cắt giảm 250 triệu tấn carbon vào năm 2030, theo Business Insider.

Các nước từ Senegal tới Djibouti đang cố gắng tái phủ xanh vùng Sahel bán khô cằn. Những khu rừng Tây Phi từng bao phủ hơn 129.500 km2, song từ năm 1975, nạn chặt phá rừng nhằm mở rộng nông nghiệp đã khiến diện tích giảm xuống còn khoảng 82.880 km2, theo Cục khảo sát Địa chất Mỹ. Rủi ro dễ bị xói mòn bởi gió cũng như khả năng duy trì độ ẩm kém ổn định cũng khiến hệ sinh thái động vật bị ảnh hưởng ít nhiều.

Được biết, Liên minh Châu Phi chính thức bắt đầu dự án Bức tường xanh vĩ đại vào năm 2007, ban đầu chỉ có 11 nước là Burkina Faso, Chad, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal, và Sudan. Vài năm sau khi bắt đầu, nhiều nước khác mới rục rịch xin gia nhập.

Tuy nhiên, có một số rào cản. Vấn đề lớn nhất nằm ở khả năng chống chọi của cây. Một số cây non phát triển kém hoặc chết do được trồng ở khu vực hẻo lánh, việc chăm sóc không được thuận lợi. Nhiệt độ ấm lên và lượng mưa thấp cũng góp phần trầm trọng thêm vấn đề. Một số ý kiến cho rằng chính phủ không huy động đủ nhân lực địa phương để duy trì tốt dự án.

Ngoài ra, mức độ thành công của Bức tường xanh vĩ đại cũng khó theo dõi ở một số khu vực. Những chuyên gia độc lập gặp rắc rối trong việc xác minh một số dữ liệu của chính phủ. Vào năm 2020, dự án chỉ hoàn thành 4%.

Dự án ‘Vạn lý Trường thành xanh’ kéo dài suốt 17 năm giúp ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, chi phí ước tính 36 - 49 tỷ USD, sẽ tạo ra 10 triệu việc làm - Ảnh 2.

Hàng chục quốc gia châu Phi đang triển khai một dự án đầy tham vọng mang tên Bức tường xanh vĩ đại

Năm 2021, các nhà lãnh đạo cam kết chi 19 tỷ USD để hỗ trợ đo đạc và thúc đẩy thành công của dự án. Trọng tâm của Bức tường xanh vĩ đại theo đó bắt đầu chuyển sang kết hợp phương pháp gieo trồng và tưới tiêu truyền thống. Thay vì trồng cây mới, nông dân vùng trung nam Niger khuyến khích chăm sóc những cây bụi và cây to có sẵn. Hoạt động này giúp tái phủ xanh 4,9 triệu hecta và trồng thêm 2 triệu cây. Ở Burkina Faso, nông dân dựa vào kinh nghiệm truyền thống để điều chỉnh sau các đợt hạn hán trong thập niên 1970 và 1980.

Ngoài ra, drone và vệ tinh gần đây cũng bắt đầu cung cấp thông tin chi tiết về đất cải tạo, sử dụng AI để xác định những loài cây riêng lẻ. Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ và tổ chức như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đang cộng tác giúp cộng đồng ở Sahel lập bản đồ và theo dõi quần thể cây baobab. Ethiopia, Niger, và Senegal đều tái phủ xanh phần đất của họ.

Đến năm 2023, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc báo cáo dự án GGW đã hoàn thành 18%, khôi phục hơn 7,7 triệu hecta đất và tạo ra 350.000 việc làm. Thành công góp phần cải thiện tình trạng sa mạc hóa tại các lục địa châu Phi cũng như trao cơ hội kiếm thêm thu nhập cho những nông dân địa phương nghèo.

"Nếu dự án không có sự chung tay của cộng đồng chắc chắn sẽ thất bại", Diegane Ndiaye, thành viên của tổ chức SOS Sahel chuyên hỗ trợ các chương trình trồng cây ở Senegal và nhiều nước khác dọc Sahel chia sẻ. 

Trước đó, ông Akinwumi A. Adesina, chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Phi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sa mạc hóa ở Sahel tại hội nghị COP26 của Liên Hợp Quốc. Cam kết cấp 6,5 tỷ USD cho dự án Bức tường xanh vào năm 2025 đã được đưa ra. 

Theo: BI, AP 

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT