Dùng 15.000 người xây dự án hơn 6 tỷ USD, Trung Quốc quyết phá kỷ lục, thách thức trung tâm tài chính số 1 thế giới của Mỹ
Thêm một công trình phá kỷ lục thế giới của Trung Quốc chính thức hoàn thành.
Là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, cây cầu Thâm Quyến - Trung Sơn trị giá 6,7 tỷ USD, có các đảo nhân tạo và đường hầm dưới biển, đã được khánh thành vào 30/6/2024.
Công trình vượt biển Thâm Quyến - Trung Sơn do Tập đoàn Giao thông Quảng Đông và Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc thiết kế, thi công. Tổng chiều dài toàn tuyến là 24km, trong đó chiều dài hạng mục cầu là 17,2km, chiều dài đoạn hầm ngầm xuyên biển là 6,8km, vận tốc thiết kế là 100km/h.
Trong đó, hạng mục cầu treo tháp đôi vượt biển ngoài khơi Linh Đinh Dương có thiết kế cầu treo dầm hộp, với 3 nhịp có tổng chiều dài 2.826m, nhịp chính dài 1.666m; mặt cầu cao 91m, thiết kế cho 8 làn xe lưu thông.
Cây cầu Thâm Quyến - Trung Sơn đã phá một kỷ lục thế giới mới bằng cách đổ 22.600m vuông nhựa đường trong vòng một ngày. Cây cầu tạo thành một tấm ván trung tâm trong kế hoạch tổng thể của Trung Quốc. Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area) cũng vì vậy trở thành trung tâm kinh tế và công nghệ có thể cạnh tranh với trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới New York (Mỹ).
Khu vực Vịnh Lớn là nơi sinh sống của 68 triệu người với diện tích 56,4km2 bao gồm 11 thành phố: Hong Kong, Macau, Trung Sơn, Thâm Quyến, Quảng Châu và 6 thành phố khác thuộc tỉnh Quảng Đông…
Nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và công ty truyền thông xã hội Tencent đã giúp nơi đây được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc". Bắc Kinh (Trung Quốc) hy vọng những cây cầu có thể giúp gắn kết các thành phố trong khu vực Vịnh Lớn về mặt vật chất lẫn tinh thần. Thời gian di chuyển giữa Trung Sơn và Sân bay Quốc tế Bảo An Thâm Quyến dự kiến sẽ giảm từ hai giờ (sử dụng đường hiện tại) xuống còn 20 phút.
Austin Strange - chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Hong Kong – cho biết, "Trung Quốc rõ ràng đang quảng cáo cây cầu như một thành tựu tầm cỡ thế giới. Cơ sở hạ tầng là một phần cốt lõi tạo nên danh tiếng của Trung Quốc trong sự phát triển toàn cầu và cũng là mối liên kết chính để quốc gia tiếp cận sự phát triển trong nước và quốc tế".
Công nghệ xây dựng cây cầu này cũng vô cùng hiện đại. Song Shenyou, Giám đốc kiêm Kỹ sư trưởng Trung tâm quản lý xây dựng cây cầu Thâm Quyến-Trung Sơn cho biết, tổng chiều dài của đường hầm ống chìm tàu ngầm của cây cầu khoảng 5.035m.
Trong đó, đoạn ống tiêu chuẩn dài 165m, rộng 46m và cao 10,6m, cần được lấp đầy 29.000 m2 bê tông. Đội kỹ sư đã phải sử dụng 8 robot đổ bê tông thông minh và cuối cùng đã đạt được mục tiêu đúc sẵn chất lượng cao trong tối thiểu 29 ngày và sau khi thử nghiệm, tỷ lệ đổ đầy đạt gần 99,95%, đạt mức tốt nhất trong thế giới.
Hơn nữa, mỗi đoạn ống ngầm tiêu chuẩn của đường hầm dưới biển sâu và vừa nặng 80.000 tấn, tương đương với kích thước của một tàu sân bay, cần phải lắp đặt một chiếc tàu khổng lồ như vậy xuống đáy biển ở độ sâu gần 40m, chịu áp lực nước và sóng gió phức tạp. Đây cũng là một bài toán tầm cỡ thế giới.
Đội xây cầu Thâm Quyến-Trung Sơn đã thiết kế và phát triển đặc biệt tàu lắp đặt, tàu nổi và ống chìm tích hợp đầu tiên trên thế giới. Con tàu tích hợp 20.000 tấn giữ vững đoạn ống 80.000 tấn và từ từ thả nó ra vùng biển được chỉ định để đánh chìm. Con tàu tích hợp được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Beidou và 158 cảm biến, có thể cung cấp dữ liệu định vị chính xác cần thiết cho việc lắp ghép các đoạn ống nổi và chìm trong thời gian thực.
Không chỉ vậy, đường hầm còn được trang bị 14 robot kiểm tra thông minh di chuyển qua lại để thu thập thông tin trạng thái về môi trường và các trang thiết bị, cơ sở vật chất trong đường hầm theo thời gian thực.
Việc hoàn thành siêu dự án Thâm Quyến-Trung Sơn là sự vượt qua khó khăn, trí tuệ và sự cống hiến của hàng trăm đơn vị tham gia và hơn 15.000 lao động xây dựng Trung Quốc.