Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Dược Hậu Giang thu lãi ròng quý II hơn 260 tỷ đồng, đem 40% tài sản gửi ngân hàng

Hà Thị Lưu Luyến

Dược Hậu Giang thu lãi ròng hơn 260 tỷ đồng trong quý II/2023 tăng 12% so với cùng kỳ. Công ty mang hơn 2.300 tỷ đồng chiếm hơn 40% tổng tài sản gửi ngân hàng.

CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả tăng trưởng tích cực.

Theo đó hãng dược này ghi nhận doanh thu thuần 1.153 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý II/2022, lợi nhuận gộp từ đó cũng tăng 1,3% lên 562 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của DHG tăng tới 74% lên 57,8 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chisnhh giảm giảm 16,6% về 20 tỷ đồng.

Các loại chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 239 tỷ đồng và 69 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, Dược Hậu Giang báo lãi sau thuế 263 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với thực hiện của quý II/2022.

duoc-hau-giang-thu-lai-rong-quy-ii-hon-260-ty-dong-dem-40-tai-san-gui-ngan-hang-1690169705.jpg
CTCP Dược phẩm Hậu Giang

Trong văn bản giải trình chênh lệnh lợi nhuận, Dược Hậu Giang cho biết trong quý này, công ty tiếp tục tập trung kinh doanh các sản phẩm chiến lược, chủ lực; hệ thống phân phối ngày càng được tổ chức chặt chẽ và kết nối với khách hàng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu đạt 2.381 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 680 tỷ đồng, tăng lần lượt 9% và 24% so với cùng kỳ 2022.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, DHG đã hoàn thành 47,6% chỉ tiêu doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2023.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của DHG tăng 10,8% so với đầu năm lên 5.725 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn tăng 8% lên mức 4.552 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản là 2.320 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 1.490 tỷ đồng hàng tồn kho, lần lượt giảm 1,5% và 19,1% so với thời điểm cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, mục tài sản dở dang dài hạn của Dược Hậu Giang tăng 230% lên 306 tỷ đồng, chủ yếu tới từ việc đầu tư mở rộng dự án nhà máy Dược phẩm và nhà máy in bao bì DHG.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của DHG tăng 48% sau 6 tháng lên 1.298 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn bao gồm 302 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn.

Đáng nói, công ty ghi nhận khoản vay ngắn hạn 621 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với thời điểm đầu năm 2023.

CTCP Dược Hậu Giang tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 02/9/1974. Đến ngày 02/9/2004, Xí nghiệp thực hiện cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.

Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dược phẩm, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ y tế, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm, và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hà Ly (t/h)