Dược Lâm Đồng: Lên kế hoạch có lãi, tập trung 3 định hướng

Dược Lâm Đồng cho biết sẽ tập trung vào các định hướng: Đảm bảo vùng nguyên liệu; phát triển sản phẩm vì sức khỏe; phát triển mạnh hệ thống phân phối…

Kết thúc năm 2023, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar; MCK: LDP, sàn HNX) ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh ảm đạm. Theo đó, lũy kế năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Ladophar ở mức 186 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 20 tỷ đồng, trong khi năm 2022, Ladophar báo lỗ 38,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, Ladophar đã “ngược gió" đón nhận nhiều tín hiệu tích cực mới. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức sáng 10/4, ông Lê Tiến Thịnh - Tổng Giám đốc Ladophar cho biết: “Sau 7 quý lỗ liên tiếp với số lỗ lũy kế là 59 tỷ đồng thì sau khi thực hiện tái cấu trúc, đến quý I/2024 công ty đã bắt đầu có lãi”.

d265c6c5-6147-408f-8240-d11cc2637cc7-1712738788.jpg
Chủ tịch HĐQT Phạm Trung Kiên.

Ông Thịnh cho biết, theo số liệu thu về, doanh thu thực hiện trong quý I đạt 45,3 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; trong đó chủ yếu tăng từ doanh thu các mặt hàng do công ty sản xuất, bên cạnh đó các chi phí hoạt động của công ty cũng đã được cơ cấu lại, chi phí hoạt động giảm mạnh 18% so với cùng kỳ”.

Với nền tảng trên, công ty đặt mục tiêu về các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với nhiều tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 275 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3 tỷ đồng, tăng đáng kể so với số lỗ cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, tại Đại hội đã thông qua các tờ trình về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, công ty dự kiến thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cá nhân hoặc tổ chức là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2024 và vốn điều lệ của Dược Lâm Đồng sau phát hành dự kiến sẽ tăng lên thành 209,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2024 Công ty còn có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với tổng giá trị cổ phiếu phát hành tối đa theo mệnh giá là 6,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại ĐHĐCĐ, đại diện công ty đánh giá, đại dịch Covid-19 bùng phát như một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho toàn nhân loại về tầm quan trọng của sức khỏe. Nhờ đó, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành dược phẩm nói riêng được quan tâm và đầu tư mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhu cầu ngày càng tăng về các loại thuốc an toàn, hiệu quả và có khả năng phòng ngừa, điều trị các bệnh truyền nhiễm đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành dược phẩm.

3a2ce28e-11a0-4312-a998-2637d3159a1d-1712738798.jpg
 

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2024, Ladophar hướng tới 3 hoạt động mũi nhọn nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ nhất, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu chất lượng. Năm 2024, Ladophar tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vùng trồng và bao tiêu cây dược liệu, hơn nữa là tập trung nâng cấp các vùng trồng chuẩn hóa GACP-WHO, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nguyên liệu đầu vào.

Đồng thời, tiếp tục tận dụng những ưu thế sẵn có, phát triển và đầu tư vườn trồng cây dược liệu chủ lực - Actiso tại các khu vực Xuân Thọ, Đa Quý, Phú Hội nhằm nâng cao nguồn nguyên liệu đầu vào với chất lượng cao; Ladophar cũng đang sở hữu vùng trồng sản phẩm Actiso đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ Organic – chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, áp dụng các kỹ thuật hiện đại để hoàn thiện hệ thống sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới như VietGap, Global GAP, GACP...

Thứ hai, sản phẩm vì sức khỏe người dùng. Lãnh đạo Ladophar cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đang sở hữu 2 nhà máy lớn với dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt chứng nhận tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (GMP WHO) cho ngành công nghiệp sản xuất dược tại Việt Nam và đạt chứng nhận HACCP là chuẩn mực cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng.

Thứ ba, phát triển mạnh hệ thống phân phối. Ladophar là một trong các doanh nghiệp đầu tiên tại Đà Lạt triển khai mô hình địa điểm tham quan, trải nghiệm kết hợp tự tay khách hàng làm thử sản phẩm một cách độc đáo.         

Showroom tại trụ sở chính của công ty đang là địa điểm bán hàng và trưng bày sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp phép. Đồng thời, công ty cũng cho biết đã phủ toàn bộ 1950 điểm bán của Bách Hóa Xanh, vào chuỗi Long Châu, AEON Mall, Coopmart, Coopfood…

Riêng trong năm 2023, các kênh đại lý/nhà phân phối của công ty tăng mạnh 85%, tương ứng mức tăng 16,7 tỷ đồng. Đây là kênh đóng góp tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu hàng sản xuất (37%). Kênh siêu thị tăng 35%, tương ứng mức tăng 1,1 tỷ đồng.

Bên cạnh các thị trường trong nước, Ladophar đặt mục tiêu duy trì thị phần trong tỉnh, mở rộng thị phần ra khắp cả nước và hướng đến xuất khẩu qua các thị trường mà người dân có thói quen dùng Dược liệu như Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông, Mỹ,...

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT