Duy nhất Trung Nguyên là thương hiệu nội trong TOP 10 nhà xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam: Lộ 1 điểm yếu của doanh nghiệp trong nước

Là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới nhưng xuất khẩu cà phê hoà tan của Việt Nam đang thuộc phần lớn về tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Điểm yếu của doanh nghiệp nội trong ngành cà phê hoà tan

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong TOP 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan lũy kế kim ngạch 5 tháng đầu niên vụ cà phê (tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024) chỉ có duy nhất Trung Nguyên là doanh nghiệp nội địa.

Cụ thể, NESTLÉ Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với kim ngạch khoảng 57,5 triệu USD.

Tiếp theo là các thương hiệu: OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon, Tập đoàn Trung Nguyên, IGUACU Việt Nam, URC Việt Nam, TATA COFFEE Việt Nam, INSTANTA Việt Nam, SUCAFINA Việt Nam và Lựa chọn đỉnh.

Trong niên vụ 2022-2023, Trung Nguyên cũng là thương hiệu Việt duy nhất xuất hiện trong TOP 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hoà tan.

Duy nhất Trung Nguyên là thương hiệu nội trong TOP 10 nhà xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam: Lộ 1 điểm yếu của doanh nghiệp trong nước - Ảnh 1.

Báo Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, hiện tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài.

Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp Việt hầu hết đều có quy mô nhỏ, khó khăn về vấn đề vốn. Để đầu tư một hệ thống chế biến cà phê hoà tan mới hoàn toàn với công suất 3.000 tấn/năm, chi phí bỏ ra khoảng 30 triệu USD (tương đương khoảng 600 tỷ đồng), vượt khả năng của các doanh nghiệp.

Theo ông Hải, vì không có vốn để đầu tư máy móc, nhiều doanh nghiệp chọn cách rang xay thủ công phục vụ khách hàng châu Âu, chấp nhận mỗi tháng xuất khẩu 1-2 container để duy trì sản xuất, lợi nhuận.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI có tiềm lực về vốn, công nghệ và thị trường đang ngày càng gia tăng, mở rộng thị phần. Dù khối lượng xuất khẩu ít, nhưng việc đầu tư vào chế biến sâu giúp các doanh nghiệp FDI khai thác giá trị cao.

"Các FDI đẩy mạnh đầu tư vào ngành cà phê Việt Nam để hưởng lợi hai lợi thế: vùng nguyên liệu cà phê Việt Nam rất phong phú, từ đó có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Cùng đó, việc Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do, mức thuế đã được giảm về 0% rất ưu đãi nên doanh nghiệp FDI đều muốn nhảy vào thị trường chế biến cà phê", Chủ tịch Vifoca cho hay.

Duy nhất Trung Nguyên là thương hiệu nội trong TOP 10 nhà xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam: Lộ 1 điểm yếu của doanh nghiệp trong nước - Ảnh 2.

Nhà máy Outspan

Thị trường cà phê hòa tan Việt Nam là một thị trường sôi động và tiềm năng, với nhiều nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối cạnh tranh nhau. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường cà phê hòa tan Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 472,61 triệu USD vào năm 2023 lên 706,06 triệu USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,13%.

Thị trường cà phê hoà tan được mở rộng do nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà rất lớn của dân số tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển. Cùng với đó là sự tiện lợi, linh hoạt của cà phê hòa tan đối với các thị hiếu và sở thích khác nhau của người tiêu dùng, cũng như khả năng thích ứng được phân phối thông qua một loạt các kênh phân phối đã và đang hỗ trợ sự tăng trưởng thị trường này.

Tuy nhiên, như Chủ tịch Vicofa đã chỉ ra, điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp nội địa trong sân chơi tiềm năng này là vốn. Một số những doanh nghiệp nội địa có sản xuất cà phê hoà tan như Masan (mua lại Vinacafe Biên Hoà), Phúc Sinh (K-coffee),.. đều là những tên tuổi có tiềm lực tài chính mạnh. Tuy nhiên, sản phẩm của họ chưa tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế như Trung Nguyên. 

Về thị phần cà phê hoà tan trong nước, đứng đầu là 3 ông lớn, Vinacafe, Trung Nguyên và Nestle.

Duy nhất Trung Nguyên là thương hiệu nội trong TOP 10 nhà xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam: Lộ 1 điểm yếu của doanh nghiệp trong nước - Ảnh 3.

Hình ảnh minh hoạ

Một "ngôi sao hi vọng" của xuất khẩu cà phê hoà tan trong tương lai là Intimex, nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất của Việt Nam.

Từ năm 2019, để giảm rủi ro về giá cà phê nhân xuất khẩu khi bị phụ thuộc vào giá cả của thị trường London và kỳ vọng thu về nhiều lợi nhuận hơn, Intimex bắt đầu tham gia sản xuất cà phê hoà tan. 

Chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12/2019, nhà máy cà phê hoà tan Intimex nằm tại khu công nghiệp Việt Nam Singapore II-A (Bình Dương), vận hành 100% công suất 4.000 tấn cà phê sấy phun mỗi năm.

Intimex có kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 của nhà máy chế biến cà phê hòa tan, nâng tổng công suất lên 8.000 tấn/năm. Tham vọng của Intimex là đến 2026 đạt 18.000 - 20.000 tấn/năm, trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam.

Duy nhất Trung Nguyên là thương hiệu nội trong TOP 10 nhà xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất Việt Nam: Lộ 1 điểm yếu của doanh nghiệp trong nước - Ảnh 4.

Nhà máy Intimex


Trọng Nghĩa

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT