Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ TS. Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Luật gia Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá XV đánh giá về vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời đại số, chuyển đổi số cũng như khuyến nghị chính sách để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời đại mới.

NĐT: Thưa ông, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân từ lâu được xem là đại diện cho sức mạnh sản xuất mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đóng góp không nhỏ vào những thành tựu phát triển chung của đất nước. Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Có thể khẳng định, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước đã có sự phát triển không ngừng trong thời gian vừa qua, đóng góp to lớn vào tăng trưởng GDP, ngân sách và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Nhiều doanh nghiệp lớn đóng vai trò là trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh mới với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã liên tục chuyển mình để phù hợp với thời đại mới, vươn mình ra thị trường khu vực và thế giới.

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo những điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và phát triển. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế và ngày 10/10/2023, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đây chính là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

NĐT: Bên cạnh những đóng góp ấn tượng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về những thách thức mà doanh nhân, doanh nghiệp Việt gặp phải, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Hiện nay, công nghệ số và các doanh nghiệp công nghệ số được xác định là cốt lõi của mọi mô hình tăng trưởng nhanh và bền vững, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa xã hội.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Khi cuộc sống con người, thói quen tiêu dùng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thay đổi nhanh chóng theo hướng số hóa các hoạt động, điều này buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Song nhìn lại, doanh nghiệp Việt còn hạn chế về quy mô, năng lực, trình độ quản trị…

Do vậy, quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một chặng đường dài đầy thách thức, không chỉ đòi hỏi lớn về nhân lực chất lượng cao mà đòi hỏi cả một nguồn lực tài chính đủ mạnh để doanh nghiệp có thể thực hiện được.

NĐT: Việc chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và chuyển đổi số các doanh nghiệp nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 749 Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", thưa ông, những cơ hội mà các doanh nghiệp trong nước thực hiện triển khai chuyển đổi số là gì?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm “mục tiêu kép” là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực vươn ra toàn cầu, với những chỉ số cơ bản.

Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại và bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng.

Có thể nhận thấy, trong thời đại hiện nay, chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Theo tôi, nắm bắt kịp thời quá trình chuyển đổi số cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân, doanh nghiệp trong thời đại số như: Có thể mở rộng khách hàng bằng việc áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp xây dựng mô hình hoạt động tối ưu. Mô hình kinh doanh số cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, gia tăng năng suất vận hành.

Cùng với đó, chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mang tính đột phá, sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số cho hoạt động kinh doanh; tối ưu hóa chi phí vận hành doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh…

NĐT: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 345 ngày 5/4/2023 Phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong đó có nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam. Xin ông chia sẻ về quá trình triển khai nhiệm vụ này?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam.

Với trách nhiệm của mình, Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 154/HLGVN thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Căn cứ Quyết định số 345 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã tập trung phổ biến, quán triệt Đề án này tới các cấp Hội và hội viên bằng hình thức phù hợp.

Tham gia hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm đội ngũ tư vấn viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; nghiên cứu triển khai, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực; tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Chúng tôi nhận thấy, cái vướng của doanh nghiệp hiện nay là họ không chuyên về pháp luật, nhưng lại có trách nhiệm làm đúng pháp luật. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng và chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại số thì vấn đề về pháp lý càng cần phải được chú trọng.

Vì thế, trong quá trình vận hành nếu doanh nghiệp có vướng mắc về vấn đề pháp luật thì Hội Luật gia Việt Nam có thể hỗ trợ, cùng doanh nghiệp nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là những vướng mắc từ phía pháp luật. Từ đó, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đầy đủ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

NĐT: Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp. Ông có khuyến nghị gì cho doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình này trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, kinh tế số đặt mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025 và đạt 30% GDP đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, theo tôi người đứng đầu doanh nghiệp phải có nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi thay đổi từ tư duy, nhận thức, nhân lực, cơ sở hạ tầng, chiến lược tới các giải pháp công nghệ..., đòi hỏi số vốn đầu tư là không hề nhỏ. Do đó, với doanh nghiệp tiềm lực tài chính còn hạn chế thì cần có kế hoạch, sắp xếp lựa chọn làm từng công đoạn, tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài thực hiện chuyển đổi số cho phù hợp.

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về công nghệ phải được ưu tiên và nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chú trọng tập huấn, đào tạo cho nhân sự về các giải pháp số, xu hướng kinh doanh mới… nhằm nâng cao năng suất lao động.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay, cần đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp khi chuyển đổi số, cần có chính sách khuyến khích, có chương trình hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp về bảo mật thông tin, dữ liệu, giúp họ yên tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Song song với việc nhận thức chuyển đổi số là điều cần thiết của mỗi doanh nghiệp, thời gian tới cần thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế số; tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số đảm bảo quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp không bị gián đoạn.

NĐT: Chúng ta đang ở trong những ngày tháng 10, ngày của giới doanh nhân Việt Nam. Với tư cách là người làm luật, ông có gửi gắm gì đến đội ngũ doanh nhân Việt Nam?

Phó Chủ tịch Trần Công Phàn: Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) là dịp để chúng ta cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tiếp tục phát huy sở trường, thế mạnh của mình trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế, phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết, hợp tác với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, với sự thích ứng nhanh chóng, làm chủ ứng dụng, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Tôi tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ thúc đẩy kinh tế số, xã hội số ngày càng phát triển góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước độc lập, hùng cường, thịnh vượng.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Thực hiện: Hoàng Bích

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |