"Ế" vốn, ngân hàng đẩy mạnh hút khách của nhau: Có nhà băng áp dụng lãi suất cho vay 0%, “ông lớn” cũng đồng loạt nhập cuộc

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, các ngân hàng đồng loạt triển khai chương trình cho vay trả nợ trước hạn ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi.

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) mới đây thông báo triển khai chương trình cho vay khách hàng cá nhân để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, lãi suất ưu đãi chỉ 0% trong tháng đầu tiên, từ các tháng sau, mức lãi suất áp dụng theo chương trình ưu đãi hiện hành của ngân hàng. Ở thời điểm hiện tại, VIB đang áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 5,5% đối với khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh, từ 6% với khách hàng vay mua ô tô và 7,5% với khách hàng vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà.

Với chương trình cho vay tất toán khoản vay trước hạn tại ngân hàng khác của VIB, khách hàng có thể vay tối đa tới 30 năm (không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay cũ). Số tiền vay tối đa có thể lên tới 50 tỷ đồng, không vượt quá dư nợ còn lại của khoản vay cũ. Ngoài ra, khách hàng sẽ được ân hạn nợ gốc tới 24 tháng, giúp giảm bớt áp lực tài chính trong thời gian này.

VietinBank cũng vừa thông báo triển khai chính sách cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,0%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và chỉ từ 7,8%/năm cho các khoản vay trung hạn và dài hạn. Doanh nghiệp được vay lên đến 100% dư nợ gốc với thời hạn tương ứng với thời hạn còn lại của khoản vay cũ.

Trước đó, VietinBank cũng đã tung ra gói hỗ trợ lãi suất dành cho các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng. Cụ thể, với các khoản vay phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất chỉ từ 5,6%/năm. Với các khoản vay tiêu dùng, mức lãi suất áp dụng sẽ chỉ từ 7,5%/năm.

Khách hàng sẽ được cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại của ngân hàng khác, với thời gian ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.

VietinBank cho phép khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm và giấy tờ có giá của mình hoặc người thân để đảm bảo cho khoản vay.

Từ ngày 3/10, Agribank triển khai chương trình cho khách hàng cá nhân vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác. Cụ thể, khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm, không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc và số tiền cam kết còn lại chưa giải ngân của khoản vay cũ, đồng thời, phù hợp với quy định của Agribank.

Agribank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng cá nhân chỉ từ 6 %/năm trong 6 tháng đầu, từ 6,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc chỉ từ 7,5%/năm trong 24 tháng đầu. Agribank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay như bất động sản, số dư tiền gửi, thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá do ngân hàng thương mại phát hành, trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán, tín phiếu Kho bạc Nhà nước.

Đầu tháng 9, Vietcombank cũng đã tung chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng này cũng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

BIDV cũng triển khai chương trình tương tự với lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn chỉ từ 6%/năm và đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.

Ngoài nhóm Big4, các ngân hàng cổ phần như MB, Techcombank, ACB cũng đã triển khai chương trình cho vay để trả nợ ngân hàng cũ, với mức lãi suất ưu đãi.

Tại Techcombank, khách hàng có thể chuyển khoản vay bất động sản dễ dàng từ ngân hàng khác sang Techcombank với lãi suất vay từ 7,3%/năm , ân hạn gốc 24 tháng. Số tiền cho vay và thời gian cho vay tương đương với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng cũ.

MB cho biết đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.

MB cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng.

Đồng thời, phía MB cho biết khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.

ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ ngày 1/9. Mức lãi suất ưu đãi mà Ngân hàng công bố hiện dành cho khách hàng vay mua bất động sản năm đầu tiên là 8%/năm.

Vay để trả nợ trước hạn ngân hàng khác có ảnh hưởng tới biên lợi nhuận toàn ngành?

Việc các ngân hàng ồ ạt triển khai các chương trình cho vay trả nợ ngân hàng khác diễn ra sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Theo quy định mới, các ngân hàng được phép cho khách hàng vay để trả nợ tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ áp dụng cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Quy định mới được đánh giá là thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn và cũng tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng.

Bên cạnh yếu tố pháp lý, các ngân hàng đẩy mạnh hút khách của nhau cũng một phần đến từ tình trạng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/10/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ bằng một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14%.

Việc nhiều ngân hàng lớn đã triển khai chính sách ưu đãi cho vay để trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác làm dấy lên một số lo ngại về áp lực cạnh tranh gia tăng và biên thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ bị giảm xuống, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ vốn có chi phí huy động ở mức cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán ACBS, dự báo chính sách mới sẽ không có tác động quá đáng kể lên NIM của các ngân hàng vì những lý do sau:

Thứ nhất, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo, do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

Tiếp đó, thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1%-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới để trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng.

Thứ ba, khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng là rất khác nhau. Yêu cầu chứng minh thu nhập, năng lực tài chính, định giá tài sản đảm bảo và hạn mức tín dụng trên giá trị tài sản đảm bảo (LTV) là khác nhau giữa các ngân hàng và do đó, khách hàng vẫn cần phải thỏa mãn các yêu cầu trên khi vay vốn tại ngân hàng mới.

Thứ tư, trên thực tế, việc cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng từ trước đến nay luôn luôn diễn ra. Tuy nhiên, đối với khách hàng, quyết định lựa chọn ngân hàng để vay vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài lãi suất như khả năng được chấp nhận hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo, định giá tài sản đảm bảo cũng như hạn mức tín dụng được cấp của mỗi ngân hàng.

Mạnh Đức

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT