Evergrande nhận 'giấy chứng tử', đế chế bất động sản từng lớn nhất Trung Quốc chính thức đổ sụp
Sắp có một cuộc chiến nhằm tìm và giành lấy bất cứ thứ gì thuộc về Evergrande có thể bán được.
Nhiều tháng sau khi Evergrande rơi vào tình trạng hết sạch tiền và vỡ nợ hàng trăm tỷ USD, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã đổ xô mua lại I.O.U. (một loại giấy chứng minh vay mượn không chính thức do người nợ cấp cho chủ nợ) của công ty, đặt cược rằng chính phủ Trung Quốc cuối cùng sẽ can thiệp để giải cứu đế chế BĐT từng lớn nhất đất nước này.
Tuy nhiên, vào ngày thứ hai, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng rằng vụ đặt cược kể trên là hoàn toàn sai lầm. Sau hai năm trong tình trạng lấp lửng, Evergrande được một tòa án ở Hồng Kông ra lệnh thanh lý toàn bộ tài sản, một động thái sẽ khơi mào cho một cuộc chạy đua của các luật sư nhằm tìm và giành lấy bất cứ thứ gì thuộc về Evergrande có thể bán được.
Lệnh này cũng có khả năng gây ra làn sóng chấn động tới các thị trường tài chính vốn đang có nhiều bất ổn tại Trung Quốc.
Evergrande là nhà phát triển bất động sản với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, họ cũng đang đứng giữa cuộc khủng hoảng nhà ở lớn nhất thế giới. Cho tới thời điểm này, đế chế rộng lớn của Evergrande không còn nhiều thứ đáng giá nữa.
Evergrande, cũng như các chủ đầu tư khác đã xây dựng quá mức và hứa hẹn quá mức, huy động tiền cho những căn hộ chưa được xây dựng và khiến hàng trăm nghìn người mua nhà phải chờ đợi căn hộ của họ. Hiện hàng chục công ty này đã vỡ nợ, chính phủ đang nỗ lực thúc ép họ hoàn thiện các căn hộ, đẩy mọi người vào thế khó vì các nhà thầu và thợ xây đã nhiều năm không được trả lương.
Điều gì xảy ra tiếp theo với Evergrande sẽ thử thách niềm tin lâu nay của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp thúc đẩy hoặc hạn chế hơn nữa dòng tiền vào thị trường Trung Quốc khi niềm tin đã bị lung lay.
Dan Anderson, chuyên gia về tái cấu trúc và đối tác tại công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer cho biết: "Mọi người sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu quyền của chủ nợ có được tôn trọng hay không. Việc chúng có được tôn trọng hay không sẽ có tác động lâu dài đến việc đầu tư vào Trung Quốc".
Thời điểm gần đây, Trung Quốc đang cần đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.
Thị trường tài chính ở Trung Quốc nói chung đã phải hứng chịu một cú sốc lớn đến mức các quan chức phải nỗ lực tìm kiếm các biện pháp chính sách như quỹ giải cứu thị trường chứng khoán để củng cố niềm tin. Và thị trường nhà ở Trung Quốc có rất ít dấu hiệu quay trở lại thời kỳ bùng nổ, một phần vì Bắc Kinh muốn chuyển hướng tăng trưởng kinh tế từ xây dựng và đầu tư.
Các nhà đầu tư đang trông chờ vào cách giải quyết vụ Evergrande để xem Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp như thế nào đối với các công ty đang bế tắc, trong đó riêng lĩnh vực bất động sản đã có hàng chục công ty.
Quyết định hôm thứ hai với Evergrande, do Thẩm phán Linda Chan đưa ra, đã bị trì hoãn nhiều lần trong hai năm qua do các chủ nợ và các bên khác đồng ý hoãn lại để công ty có thêm thời gian đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về số tiền họ có thể được trả.
Gần đây nhất là vào mùa hè năm ngoái, có vẻ như đội ngũ quản lý của Evergrande và một số chủ nợ nước ngoài đã cho công ty vay tiền bằng đôla Mỹ và sắp đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, sau đó các cuộc đàm phán đã bị đình trệ vào tháng 9 khi một số giám đốc điều hành cấp cao bị bắt giữ và cuối cùng, người sáng lập kiêm chủ tịch, Hui Ka Yan cũng bị cảnh sát giam giữ.
Ông Anderson nói quyết định của tòa án hôm thứ hai với Evergrande là "một vụ nổ lớn".
Theo: NYTimes