FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2023
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy tích cực, nợ phải trả tăng cao dẫn đến FE Credit báo lỗ gần 3.000 tỷ đồng chỉ sau nửa đầu năm 2023.
Theo văn bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), vốn chủ sở hữu của FE Credit tính đến ngày 30/6/2023 giảm 35,6% so với vốn chủ sở hữu cùng kỳ năm trước, về còn 10.250 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của FE Credit trong nửa đầu năm 2023 ghi nhận âm 2.996 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công ty lãi 144 tỷ đồng.
Với việc vốn chủ sở hữu của FE Credit giảm mạnh cùng lợi nhuận sau thuế là con số âm đã đưa tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) xuống âm 29,23%, trong khi cùng kỳ năm trước là 0,90%.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 4,02 lần lên 5,43 lần; tương ứng, nợ phải trả tính đến ngày 30/6/2023 củA FE Credit là 55.657,5 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành của FE Credit giảm từ 23% xuống còn 13,89% sau 6 tháng đầu năm 2023.
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh không mấy tích cực, FE Credit còn đang chịu áp lực trả nợ hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu đang cận kề.
Dư nợ trái phiếu phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 14,45% lên 23,41%, tương ứng công ty đang có dư nợ trái phiếu hơn 2.399,5 tỷ đồng.
Dư nợ trái phiếu này đến từ 8 lô trái phiếu mã VPFCH2224001, VPFCH2224002, VPFCH2224003, VPFCH2224004, VPFCH2224005, VPFCH2224006, VPFCH2224007 VPFCH2224008. Các lô trái phiếu này đều được phát hành năm 2022, kỳ hạn trái phiếu đều là 2 năm và lãi suất trái phiếu dao động từ 6,8 - 7,5%/năm. Mục đích sử dụng các đợt chào bán được nêu là nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, cụ thể để cấp tín dụng cho khách hàng.
Theo dữ liệu từ HNX, trong số các lô trái phiếu trên, FE Credit mới thực hiện mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu mã VPFCH2224005, VPFCH2224006, VPFCH2224007 vào ngày 28/4 với tổng giá trị mua lại theo khối lượng phát hành là 1.000 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB), đang là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với thị phần thống trị.
Hiện FE Credit vẫn là công ty tài chính có quy mô cho vay lớn nhất trên thị trường tín dụng tiêu dùng, với dư nợ cuối năm 2022 hơn 75.000 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, năm 2022, FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc nợ xấu tăng nhanh. Tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính này cuối năm 2022 là 21,8%, cao hơn nhiều so với mức 14,1% cuối năm 2021. FE Credit đã phải trích lập dự phòng rủi ro thêm 23%, lên 13.681 tỷ đồng.
VCBS nhận định, số dư cho vay của FE Credit mở rộng quá nhanh trong giai đoạn trước đây và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của Công ty cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác.
Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit. Năm 2023, nhiều khả năng FE Credit tiếp tục lỗ, trước khi có lãi trở lại vào năm 2024.