FLC chưa trả được gần 1.100 nghìn tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu

Từ ngày 22/12-28/12/2023, FLC phải thanh toán số gốc lô trái phiếu FLCH2123003 với giá trị 996,86 tỷ đồng và 113,51 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, đến ngày ngày đáo hạn, FLC chưa thể thanh toán nợ cho lô trái phiếu này.

flc-chua-tra-duoc-gan-1100-ngan-ty-dong-goc-va-lai-trai-phieu-antt-1704857137.jpg
FLC chưa trả được gần 1.100 tỷ đồng gốc và lãi trái phiếu. Ảnh minh hoạ.

Trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, FLC cho biết, từ ngày 22/12/2023 đến ngày 28/12/2023, FLC phải thanh toán số gốc lô trái phiếu FLCH2123003 với giá trị 996,86 tỷ đồng và 113,51 tỷ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 28/12/2023 - ngày đáo hạn, FLC chưa thể thanh toán nợ cho lô trái phiếu. Tổng cộng số tiền nợ lại là 1,1 nghìn tỷ.

Lô trái phiếu của FLC được phát hành vào ngày 28/12/2021, kỳ hạn 2 năm. Khối lượng gồm 115 ngàn trái phiếu mệnh giá 10 triệu đồng, tổng huy động 1.150 tỷ đồng.

FLC cho biết đang trong quá trình đàm phán gia hạn. Trong trường hợp được Hội nghị Người sở hữu trái phiếu thông qua, Doanh nghiệp dự kiến sẽ thanh toán số nợ trước ngày 28/12/2025.

Trước đó vào ngày 22/12/2023, FLC đã công bố kết quả lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu về 4 phương án gia hạn.

Phương án 1, FLC tiếp tục triển khai dự án FLC Hải Ninh 2, sử dụng nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh để trả nợ trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu gia hạn thêm 2 năm. Lãi suất áp dụng 13%/năm (trước kia cao nhất là 11,5%) và miễn toàn bộ lãi phạt chậm trả với các phần nợ gốc, lãi đã đến hạn thanh toán.

Phương án 2, FLC tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án FLC Hải Ninh 2, sử dụng toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản phong tỏa, ưu tiên giải ngân để thanh toán trái phiếu. Các điều kiện như kỳ hạn, lãi suất… thay đổi tương tự phương án 1.

Phương án 3, khi bất động sản của dự án FLC Hải Ninh 2 đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán, FLC sẽ sử dụng để đối trừ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu, ưu tiên chiết khấu cho trái chủ so với khách hàng thông thường. Các điều khoản trái phiếu tương tự như các phương án trên.

Và phương án 4, là trong trường hợp các phương án trên không được trái chủ thông qua, FLC sẽ đề xuất phương án khác trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày tổng hợp ý kiến bằng văn bản.

Kết quả, không có phương án nào được thông qua bất trong số 4 phương án được nêu ở trên.

Bên cạnh việc thông tin chậm trả nợ trái phiếu, mới đây FLC cũng bị Cục thuế TP Hà Nội ra quyết định cưỡng chế hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, do FLC đã quá hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền cưỡng chế đã bao gồm tiền nộp phạt và tiền chậm nộp.

Theo đó, tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 90 tỷ đồng - trong đó, có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/12/2023 đến ngày 29/1/2024.

Cục thuế cũng lưu ý do FLC mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng, để tránh việc các ngân hàng trích vượt số tiền cưỡng chế, Cục thuế đề nghị các ngân hàng thông báo cho bộ phận quản lý nợ trước khi nộp tiền.

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT