Founder 'ăn hại' Adam Neumann muốn mua lại WeWork

WeWork cho biết họ thường xuyên nhận được các lời đề nghị tương tự của Neumann và đang cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp.

Flow Global - công ty bất động sản của Adam Neumann đang tìm cách mua lại WeWork - công ty cung cấp văn phòng chia sẻ vốn đã nộp đơn phá sản tháng 11/2023, theo Reuters.

Hôm 5/2, DealBook đưa tin luật sư của Neumann đã gửi thư đến WeWork, khẳng định quỹ đầu tư mạo hiểm Third Point (Mỹ) sẽ hỗ trợ tài chính cho thương vụ. Đại diện phía Third Point cho biết họ chỉ mới ‘nói chuyện sơ qua’ với Neumann và chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào.

WeWork cho biết họ thường xuyên nhận được các lời đề nghị tương tự của Neumann và đang cân nhắc để đưa ra quyết định phù hợp.

“Chúng tôi tin những việc mình đang làm. Giải quyết vấn đề chi phí thuê địa điểm và tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ giúp đảm bảo vị thế cho công ty. Mục tiêu là giúp công ty hoạt động độc lập, ổn định tài chính và bền vững lâu dài”, hãng cho biết trong thông báo.

Adam Neumann là nhà sáng lập WeWork. Dưới thời ông, công ty này từng là startup giá trị nhất Mỹ với mức định giá 47 tỷ USD, song vì theo đuổi chiến lược tăng trưởng sai lầm nên sụp đổ. Bản thân founder cũng vướng phải không ít tai tiếng khi bị cho là đã tạo ra văn hóa độc hại cho chính công ty của mình: Tiệc tùng xuyên màn đêm, sử dụng rượu bia và thậm chí là cả ma túy trong quá trình làm việc. Ngoài ra, Neumann và vợ Rebekah cũng nổi tiếng hà khắc với nhân viên nhưng nhân nhượng với người nhà.

Founder 'ăn hại' Adam Neumann muốn mua lại WeWork - Ảnh 1.

Theo lời kể của một nhân viên từng làm việc cho WeWork, có một quy tắc bất di bất dịch mỗi khi CEO Neumann đến thăm: vài ly thủy tinh, rượu tequila cao cấp Don Julio 1942 và nhạc.

“Mọi thứ ầm ĩ đến mức nhân viên chúng tôi không thể tập trung để làm bất cứ việc gì. Nhiều người bên ngoài từng phàn nàn về tiếng nhạc quá lớn nhưng nếu tắt đi, chúng tôi sẽ bị Neumann và nhóm của anh ấy khiển trách”, cựu nhân viên này chia sẻ. “Nếu bạn ở WeWork 1 năm thì nó giống như 10 năm tại bất kỳ công ty nào ngoài kia”.

Hiện định giá WeWork không nổi 50 triệu USD. Nhiều quản lý cấp cao đã rời đi, bao gồm cả Giám đốc điều hành mới Sandeep Mathrani hồi tháng 5 và 3 thành viên hội đồng quản trị mới đây.

Sự sụp đổ của WeWork, theo các chuyên gia, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ‘bong bóng’ định giá quá mức. Làn sóng công nghệ cuộn chảy đã giúp rất nhiều startup được ‘thổi phồng’ giá trị lên mức không tưởng.

Đối với rất nhiều nhà đầu tư, cái kết viên mãn sẽ là công ty có thể IPO và trở thành công ty niêm yết. Tuy nhiên, IPO không hẳn là dấu mốc đánh dấu sự thành công của một công ty kỳ lân. Theo thống kê của Information, rất nhiều startup giảm giá trị sau khi IPO.

“Những công ty đốt tiền đều sẽ phải đối diện với ánh nhìn nghi hoặc từ thị trường”, nhà phân tích Carleton English của Information nói.

Theo BI, mô hình kinh doanh của WeWork sai ngay từ đầu và công ty còn hoạt động cho đến thời điểm hiện tại chỉ nhờ những nhà đầu tư ‘ngu ngốc’ cố chấp rót tiền. Được biết trong nửa đầu năm nay, WeWork đã lỗ 700 triệu USD sau khi ‘mất trắng’ 2,3 tỷ USD vào năm 2022 vì hoạt động kinh doanh quá tiêu cực.

Theo: Reuters

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT