FPT trước khi trở thành "ông lớn công nghệ": Hợp tác với Vinamilk làm bột dinh dưỡng, mua đến 90% cổ phần một hợp tác xã may
"Vì chưa có kinh nghiệm quản trị đã vội vàng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, nên Công ty mất định hướng, cán bộ phân tán khắp nơi, tiền bạc mất mỗi chỗ một ít… Đúng là bốn phương tám hướng", ông Lê Quang Tiến – một trong 13 thành viên sáng lập FPT mô tả giai đoạn làm dệt may của công ty.
Được thành lập vào năm 1988 bởi 13 nhà khoa học trẻ, định hướng xuyên suốt hơn 35 năm phát triển của FPT là giàu mạnh bằng khoa học - công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia.
Tuy nhiên, trước khi trở thành thương hiệu công nghệ giá trị nhất Việt Nam (theo đánh giá của Brand Finance năm 2023), FPT từng tham gia nhiều lĩnh vực khác, có thể kể đến dệt may và thực phẩm.
Theo tư liệu trong cuốn "Sử ký FPT 35 năm", vào giai đoạn 1990 – 1992, FPT đã xuất khẩu hàng may mặc sang Liên Xô, Ba Lan và một số nước Đông Âu. Năm 1991, một số cá nhân của FPT đã mua đến 90% cổ phần một hợp tác xã may trong nước, hy vọng chủ động sản xuất hàng xuất khẩu.
"Cũng có thể nói đây là giấc mơ sở hữu đầu tiên của người FPT và một số người suýt nữa đã trở thành "ông chủ" sớm hơn dự định", Sử ký của FPT ghi lại.
Do chưa có kinh nghiệm trong việc mua bán cổ phần doanh nghiệp, FPT không kiểm soát được hoạt động tài chính cũng như kinh doanh của hợp tác xã may này. Kết quả là, FPT không những không tạo ra lợi nhuận mà còn đánh mất cả khoản vốn mua cổ phần, cũng không sở hữu được hợp tác xã.
"Vì chưa có kinh nghiệm quản trị đã vội vàng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới, nên Công ty mất định hướng, cán bộ phân tán khắp nơi, tiền bạc mất mỗi chỗ một ít... Đúng là bốn phương tám hướng", ông Lê Quang Tiến - một trong 13 thành viên sáng lập FPT chia sẻ về tình hình lúc đó.
Bên cạnh dệt may, công nghệ thực phẩm - lĩnh vực từng là cốt lõi của FPT thuở ban đầu hiện cũng chỉ còn là một phần lịch sử.
Năm 1989, hạt quinoa (diêm mạch) được coi là cơ hội mới cho FPT giữa thời kỳ đang dò tìm con đường phát triển. Kỳ vọng của ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT hiện nay) là sau vài thập kỷ sử dụng quinoa, thể lực cũng như trí tuệ của người Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.
Trọng trách thử nghiệm với hạt quinoa được đặt lên vai ông Lê Thế Hùng. Toàn bộ quá trình từ trồng quinoa, tách thành công saponin, sấy - nghiền thành bột nguyên liệu, bảo quản... đến tìm cách chế biến phù hợp, ông Hùng đều đích thân nghiên cứu, triển khai.
Năm 1992, FPT ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học kỹ thuật về chế biến bột quinoa với Vinamilk. Sản phẩm có tên Ridielac H.V, được bán ra với giá 12.000 đồng/hộp. Năm 1993, Ridielac H.V được trao Huy chương Vàng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ. Từ những kết quả này, FPT mở hệ thống phân phối với hàng loạt cửa hàng tại trung tâm Hà Nội.
Tuy nhiên, phản ứng không tốt về sản phẩm bắt đầu xuất hiện sau vài tháng. Sai lầm nhỏ từ sự không kiên quyết trong khâu chế biến, làm giảm hương vị sản phẩm, đã gây nên hiệu ứng lớn không mong đợi. FPT làm mọi cách để bán hết lượng hàng còn lại.
Năm 1994, ông Trương Gia Bình quyết định chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến công nghệ thực phẩm và dệt may.
"Mọi thất bại sẽ trở thành kinh nghiệm đi cùng FPT trên suốt con đường phát triển của mình", ông Trương Gia Bình đúc rút.
FPT vẫn đang tiếp tục giữ vững sứ mệnh đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, tên tuổi gắn liền với ngành công nghệ. Ông Trương Gia Bình đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam dựa trên 5 từ khoá: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, xe điện, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Vốn hóa của FPT hiện nay chỉ kém Vietcombank, BIDV, PV Gas và Hòa Phát trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất Việt Nam, nhờ cổ phiếu liên tục vượt đỉnh kể từ đầu năm 2024. Đà tăng của FPT được hỗ trợ bởi thông tin chia cổ tức tiền mặt và phát hành tăng vốn. Bên cạnh yếu tố cổ tức, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định ở mức cao cũng là động lực thúc đẩy cổ phiếu đi lên.