FPTS bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc mới
FPTS vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hạnh- Giám đốc Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp làm Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 23/7/2025.
Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS, MCK: FTS, sàn HoSE) vừa có văn bản thông báo về việc thay đổi nhân sự của công ty.
Theo đó, FPTS vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hạnh- Giám đốc Khối tư vấn Tài chính doanh nghiệp giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc của công ty kể từ ngày 23/7/2025.
Bà Hạnh có chức năng, nhiệm vụ phụ trách Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp của công ty, thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ theo sự phân công, ủy quyền của Tổng Giám đốc.
Ở chiều ngược lại, FPTS cũng miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Văn Dũng cũng kể từ ngày 23/7/2025. Trước đó, ông đã có đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí này.

Ảnh minh họa
Được biết, ông Nguyễn Văn Dũng là Chủ tịch HĐQT FPTS và kiêm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc từ tháng 4/2019. Trong đơn, ông Dũng cho biết, cần dành nhiều thời gian và tâm huyết hơn cho vai trò Chủ tịch HĐQT để đảm bảo định hướng chiến lược và giám sát hiệu quả hoạt động chung của công ty.
Do đó, ông Dũng đề nghị được từ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc từ ngày 23/7 để tập trung công tác ở vai trò Chủ tịch HĐQT.
Ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1976, trình độ Cử nhân Ngân hàng Kế toán. Ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT FPTS từ tháng 4/2018.
Về tình hình kinh doanh, FPTS vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu hoạt động 239 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động tự doanh kỳ này ghi nhận âm 9,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 60 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ chênh lệch tăng đánh giá lại các TSTC thông qua lãi lỗ âm hơn 35 tỷ đồng đến từ việc đánh giá lại cổ phiếu MSH.
Doanh thu môi giới cũng giảm 36,7% còn 49 tỷ đồng do FPTS áp dụng chính sách giảm phí giao dịch cho nhà đầu tư. Ngược lại, điểm sáng hiếm hoi kỳ này là lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng gần 20% lên mức 173 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động giảm nhưng chi phí hoạt động trong kỳ lại tăng gần 40% lên mức 137 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính và chi phí đi vay của các khoản vay tăng gấp đôi lên gần 83 tỷ đồng.
Kết quả, FPTS báo lợi nhuận trước thuế kỳ này gần 85 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 61 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 62% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPTS mang về 551 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm gần 9% so với cùng kỳ. Cũng bởi sự suy yếu của hoạt động tự doanh và áp lực chi phí nên lợi nhuận trước thuế ghi nhận 258 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 214 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 34,5% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6/2025, tổng tài sản của FPTS ghi nhận 11.280,2 tỷ đồng, tăng 15,5% sau 6 tháng đầu năm.
Trong đó, tiền và các khoản tương tương đương tiền tăng gấp 2,2 lần lên mức 1.277 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản cho vay với 7.243 tỷ đồng, trong đó cho vay margin 6.535 tỷ đồng.
Danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) có giá gốc 2.013,5 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Trong đó, trái phiếu chiếm 1.923 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần sau nửa đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn cố định gần 74 tỷ đồng và cổ phiếu niêm yết 14 tỷ đồng.
Trong số các cổ phiếu niêm yết, FPTS "rót" 13,45 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu MSH và đem về khoản lãi 536 tỷ đồng, tức gấp 40 lần so với giá gốc.
Về nguồn vốn, tổng nợ phải trả của FPTS ghi nhận 7.043 tỷ đồng, tăng 1.401 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 6.852 tỷ đồng, tăng 1.376 tỷ đồng so với đầu năm và đều là vay ngân hàng.
PV