"Gã khổng lồ" cung cấp dịch vụ khoan hàng đầu Đông Nam Á: Cổ phiếu tăng bằng lần sau hơn một năm nhưng cổ đông "đu đỉnh" 10 năm vẫn còn xa bờ

Dù mức giá hiện tại tăng "bằng lần" so với thời điểm hơn một năm trước, nhưng có thể thấy những nhà đầu tư gắn bó với cổ phiếu này từ thời kỳ huy hoàng 2014 vẫn chưa thể về bờ, thậm chí đã mất đi hơn 38% giá trị.

Cổ phiếu bứt phá mạnh nhưng cổ đông 10 năm vẫn chưa thể về bờ

Hiệu ứng tăng bốc của giá dầu thế giới lên mức cao nhất trong 4 tháng và những diễn biến mới của siêu dự án Lô B đã "châm ngòi" cho đà bùng nổ của nhóm cổ phiếu dầu khí. Với tính đầu cơ cao theo biến động giá dầu, cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVDrilling) luôn là một trong những cái tên hot được giới đầu tư săn đón.

PVD hiện là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam về dịch vụ cung cấp giàn khoan dầu khí. Không chỉ giữ vị thế trong nước, PVDrilling còn được biết đến là nhà thầu khoan hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Brunei, Thailand và Cambodia. 

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-14 lúc 23.38.51.png

Nhìn lại quá khứ, sau khi "chào sàn" HOSE vào năm 2006, cổ phiếu PVD liên tục nổi sóng cùng chiều với đà tăng phi mã của giá dầu. Liên tục chinh phục đỉnh mới, "tân binh" PVD gây sốt khi nhanh chóng trở thành một trong những cổ phiếu đắt giá nhất sàn chứng khoán thời điểm đó.

Dù vậy, con sóng cổ phiếu dầu khí chỉ bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2014. Khi đó, nền kinh tế thế giới ổn định trở lại sau khủng hoảng 2008, sức cầu tăng lên kéo giá dầu liên tục neo ở mức trên 100 USD/ thùng, từ đó làm cho giá thuê giàn khoan tăng mạnh. Với doanh thu và lợi nhuận lập đỉnh lịch sử lần lượt 20.884 tỷ đồng và 2.539 tỷ đồng, cổ phiếu PVD phi một mạch leo lên đỉnh lịch sử với hơn 53.000 đồng/cp (giá điều chỉnh do phát hành thêm cổ phiếu).

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, cú rơi tự do 60% của giá dầu vào năm 2015 đã thổi bay mọi thành quả, kéo kết quả kinh doanh của PVDrilling đi xuống rõ rệt. Khi đó, 3/5 giàn khoan của doanh nghiệp rơi vào cảnh "thất nghiệp", doanh thu và lợi nhuận năm 2015 đều sụt giảm trên 30% so với cùng kỳ. Cổ phiếu PVD cũng theo đà lao dốc, "bốc hơi" đến hơn 70% từ đỉnh chỉ sau chưa đầy một năm.

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-14 lúc 23.59.38.png

Sau nhiều sóng gió tưởng chừng PVDrilling sẽ vững vàng, nhưng những cú "bổ nhào" của giá dầu khiến cổ phiếu PVD liên tục ngụp lặn quanh mệnh giá. Thậm chí có thời điểm bị nhấn chìm xuống mức 5.000 đồng/cp hồi tháng 3/2020 khi giá dầu Brent giảm sâu xuống 30 USD/ thùng trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm mạnh bởi cú đấm Covid.

Khi để những nhà đầu tư kiên nhẫn cũng khó có thể chịu đựng thêm, PVD lại âm thầm "đạp đáy đi lên". Dù vẫn có nhiều nhịp tăng giảm phập phồng theo biến động giá dầu, nhưng nhìn chung cổ phiếu PVD đã hồi phục mạnh mẽ so với trước đó.

Trở lại thời điểm hiện tại, PVD trong phiên 15/3 điều chỉnh nhẹ về 32.800 đồng/cp, nhưng vẫn neo quanh mức đỉnh cao nhất trong vòng 9 năm qua. Dù mức giá hiện tại tăng "bằng lần" so với thời điểm hơn một năm trước, nhưng có thể thấy sau hơn một thập kỷ, những nhà đầu tư gắn bó với PVD từ thời kỳ huy hoàng 2014 vẫn chưa thể về bờ, thậm chí đã mất đi hơn 38% giá trị.

Nhiều tiềm năng trong dài hạn

Dù cổ phiếu vẫn chưa thể tìm về đỉnh cũ, nhưng triển vọng của PVD được giới phân tích đánh giá tích cực khi giá dầu neo cao và thị trường khoan kỳ vọng sôi nổi hơn nhờ loạt dự án được triển khai, tâm điểm là dự án Lô B - Ô Môn.

Thực tế, bức tranh kinh doanh năm 2023 của PVD đã sáng sủa hơn nhiều so với năm thua lỗ trước đó. Doanh thu đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và lãi sau thuế đạt 541 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ đến 155 tỷ đồng. Đây cũng là những con số con nhất 8 năm mà PVDrilling đạt được kể từ sau "thời kỳ vàng son" 2011-2015 của ngành dầu khí.

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-15 lúc 00.11.23.png

Về triển vọng giá dầu, theo báo cáo tháng 1/2024 của Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), giá dầu thô năm 2024 dự báo vẫn duy trì ở mức trên 85 USD/thùng. Điều này sẽ kích hoạt các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, đây là cơ hội PVD ký các hợp đồng khoan với đơn giá dịch vụ tốt. 

Chứng khoán Mirae Asset Vietnam kỳ vọng giá thuê giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á hiện đã đạt 110.000 - 130.000 USD/ngày, tương ứng mức tăng hơn 25% so với năm 2023.

Giá thuê giàn khoan tại Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung giàn khi một số giàn được rút đi, phục vụ thị trường Trung Đông - nơi đang có nhu cầu khoan khai thác sôi động. Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global hiện dự báo nhu cầu về giàn khoan tự nâng sẽ dần quay về mức bình thường trong năm 2025.

Việc ký được các hợp đồng cho thuê giàn với mức giá vượt trên 100.000 USD/ngày sẽ giúp PV Drilling ghi nhận mức lợi nhuận đột phá, theo Mirae Asset Vietnam. Đáng chú ý, việc ký được các hợp đồng có việc làm xuyên suốt sẽ giúp PV Drilling sẽ giảm thiểu được thời gian vận chuyển giàn giữa các địa điểm, từ đó tối ưu hiệu suất sử dụng.

Với các điều kiện thị trường hiện nay, Mirae Asset Vietnam dự báo doanh thu cả năm 2024 của PV Drilling sẽ đạt 6.720 tỷ đồng và lãi ròng ước đạt 788 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và tăng 46% so với mức thực hiện năm 2023.

Tại thị trường trong nước, hiện có khoảng 13 cuộc đấu thầu giàn khoan nhưng hầu hết các chiến dịch khoan được đấu thầu này đều khá ngắn. Trong năm nay, thị trường khoan được kỳ vọng sẽ sôi nổi hơn với các chiến dịch khoan bớt rời rạc hơn khi một số dự án thượng nguồn lớn được triển khai như Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng 2B và Lô B - Ô Môn.

Trong đó, dự án Lô B – Ô Môn được đi vào triển khai cung cấp khối lượng công việc tiềm năng cho mảng dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng của PVD trong những năm tới. Trong phát biểu mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường - Tổng Giám đốc PV Drilling đánh giá PVD là một trong những nhà thầu đủ năng lực tham gia công tác khoan cho siêu Dự án Lô B - Ô Môn, dự kiến bắt đầu khai thác dòng khí đầu tiên (FG) vào năm 2026.

Ảnh chụp Màn hình 2024-03-14 lúc 23.47.22.png

Theo kế hoạch, giai đoạn đầu tiên của Dự án Lô B sẽ khoan khoảng hơn 80 giếng từ năm 2025-2026 với nhu cầu 2 giàn khoan tự nâng. Trong các giai đoạn sau, các giếng khai thác bổ sung, khoảng 911 giếng sẽ cần khoan từ FG cho đến khi kết thúc vòng đời dự án. Vì vậy, dự án này sẽ bảo đảm nguồn việc dài hạn cho giàn khoan và kỹ thuật giếng khoan của PV Drilling tại thị trường trong nước.

"Với chiến lược "tiếp tục vươn ra nước ngoài", hiện tất cả giàn khoan sở hữu của PV Drilling đang cung cấp dịch vụ ở nước ngoài với các hợp đồng dài hạn, trong đó có hợp đồng kéo dài tới năm 2028. Vì vậy, PV Drilling đang triển khai đầu tư thêm giàn khoan và các máy móc thiết bị chuyên dụng, kịp thời phục vụ cho nhu cầu của thị trường, đặc biệt là siêu Dự án Lô B - Ô Môn", Tổng Giám đốc PV Drilling cho biết.

Hạ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT