‘Ghế nóng’ KPF tiếp tục đổi chủ
Bà Lê Thị Mộng Đào được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, thay thế vị trí ông Lê Nguyễn Hải Đăng kể từ ngày 12/12/2023.
Ngày 12/12, CTCP Đầu tư tài sản Koji (MCK: KPF) đã có thông báo bổ nhiệm bà Lê Thị Mộng Đào làm Tổng Giám đốc, thay thế vị trí ông Lê Nguyễn Hải Đăng. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm đến ngày 11/12/2028.
Cùng ngày, KPF bổ nhiệm ông Tô Tiến Đạt làm người được ủy quyền công bố thông tin kiêm phụ trách quản trị Công ty, thay cho bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã từ nhiệm trước đó. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm.
Cuối tháng 11, HĐQT của KPF đã thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Lê Nguyễn Hải Đăng kể từ ngày 1/12 sau hơn 7 tháng nhậm chức thay bà Đinh Thị Kim Nhung. Đồng thời miễn nhiệm chức vụ Người được uỷ quyền công bố thông tin kiêm người phụ trách quản trị công ty với bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.
Kể từ đầu năm, nhân sự cấp cao của KPF liên tục biến động. Cuối tháng 11, KPF cũng nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Trung Kiên vì bận việc cá nhân.
Hồi tháng 8, HĐQT đã thông qua miễn nhiệm ông Hoàng Văn Hậu khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật sau chưa đầy 4 tháng nhậm chức. Đồng thời, HĐQT đã bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn lên làm Chủ tịch kiêm Người đại diện pháp luật từ ngày 8/8.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, KPF đã thay tới 3 Chủ tịch HĐQT và 3 Tổng Giám đốc.
Nhân sự lãnh đạo biến động liên tục, kết quả kinh doanh của KPF cũng rất ảm đạm. Quý III/2023, KPF không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ; lãi ròng giảm gần 81%, xuống chỉ còn khoảng 5 tỷ đồng. KPF cho biết, cùng kỳ năm ngoái Công ty có ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm, nhưng trong quý 3 năm nay đã phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư vào công ty liên kết này.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, KPF đạt doanh thu vỏn vẹn 1 tỷ đồng, toàn bộ đến từ khoản chuyển nhượng quyền mua căn hộ tại dự án cán hộ du lịch Summit Lê Đức Thọ giữa KPF và và Lê Nguyễn Thủy Tiên; lãi ròng gần 19 tỷ đồng, giảm gần 61%.
Cuối quý III, KPF có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn 282 tỷ, chiếm 34% tài sản. Bên cạnh đó, KPF cũng rót hơn 155 tỷ vào trái phiếu của hai công ty không niêm yết.