Giá chung cư tại TP. HCM tiếp tục tăng cao
Theo DKRA, tại thị trường bất động sản TP. HCM và vùng phụ cận, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, cục bộ ghi nhận mức tăng 3% - 6% ở một số dự án tại TP. HCM có pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng, bàn giao nhanh chóng.
Theo báo cáo thị trường bất động sản TP. HCM và vùng phụ cận 2 tháng đầu năm 2024, ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới đạt 440 căn, chỉ bằng 66% so với cùng kỳ, tập trung giai đoạn trước Tết Âm lịch, phân bổ chủ yếu tại TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Lượng tiêu thụ nguồn cung mới giảm 53% so với cùng kỳ, phần nào bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng B chiếm 76% nguồn cung và 93% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường, tập trung hầu hết tại khu Tây TP. HCM.
Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán,… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, cục bộ ghi nhận mức tăng 3% - 6% ở một số dự án tại TP. HCM có pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng, bàn giao nhanh chóng.
Về phân khúc nhà phố/biệt thự, ghi nhận trong 2T/2024, nguồn cung mới đạt 98 căn, vẫn ở mức khan hiếm và giảm nhẹ 27% so với cùng kỳ. Song, tỷ lệ tiêu thụ mới duy trì ở mức thấp, chỉ đạt 16% nguồn cung đưa ra thị trường. Theo đó, TP. HCM là địa phương dẫn dắt thị trường với tỷ trọng đạt 52% nguồn cung và 94% lượng tiêu thụ mới.
Các khu vực Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh ghi nhận tình trạng khan hiếm dự án mở bán mới trong 2 tháng đầu năm 2024. Dù chịu áp lực của chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với lần mở bán trước đó.
Cùng với đó là các chính sách chiết khấu, hỗ trợ ngân hàng, giãn tiến độ thanh toán,… được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Mặt bằng giá thứ cấp có xu hướng đi ngang so với thời điểm cuối năm 2023, thanh khoản ở mức trung bình, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đảm bảo tiến độ thi công, mặt bằng giá hợp lý, pháp lý rõ ràng và được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường.
Dự kiến trong những tháng tiếp theo, nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 tuy nhiên khó có những đột biến trong ngắn hạn. Phần lớn dự án mở bán mới tập trung chủ yếu ở TP. HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương.
Về phân khúc đất nền, khu vực này có 1 dự án mới và 3 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo trên địa bàn. Qua đó cung cấp 138 nền ra thị trường, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng tiêu thụ mới ghi nhận 7 nền, giảm 25%. Giao dịch tập trung ở nhóm sản phẩm có mức giá trung bình khoảng 21,5 triệu/m2.
Xét theo địa phương, Long An là địa phương chủ lực về tỷ trọng nguồn cung và lượng tiêu thụ mới của thị trường khu vực với tỷ lệ đạt lần lượt là 60% và 58%. Bình Dương và Đồng Nai có tỷ trọng nguồn cung lần lượt chiếm 25% và 15%. Các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM không ghi nhận nguồn cung mới.
Giá bán đất nền mới tại Long An dao động 17,2 - 54,9 triệu/m2; tại Bình Dương khoảng 14,5 - 16 triệu/m2; tại Đồng Nai khoảng 12,3 - 13,7 triệu/m2.
Nhìn chung, mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với lần mở bán trước đó. Các chính sách ưu đãi, thanh toán kéo dài, cam kết lợi nhuận,… tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu.
Thị trường thứ cấp có xu hướng đi ngang so với thời điểm cuối năm 2023. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình, các dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý… thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo DKRA, dự kiến nguồn cung mới trong những tháng tiếp theo sẽ đạt nhiều khởi sắc, phần lớn sản phẩm tập trung ở các khu vực giáp ranh TP HCM.