Giá trị của chuyển đổi số đối với ngành tài chính
Theo số liệu từ nền tảng tự động hóa robot ảo akaBot của FPT IS, 60% lượng giấy tờ phải in và hồ sơ nhựa đã được giảm thiểu trong hơn 3.500 khách hàng doanh nghiệp của đơn vị.
Trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8 mới đây, trả lời các câu hỏi của BTV Mùi Khánh Ly, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã có những chia sẻ xung quanh chủ đề chuyển đổi số trong ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.
Theo ông Hòa, năm 2023 là một năm khó khăn với kinh tế toàn cầu khi chi phí đầu vào tăng, sức tiêu dùng giảm, các xung đột trên thế giới kéo dài dai dẳng. Bối cảnh như vậy càng cho thấy giá trị của chuyển đổi số với ngành ngân hàng, chứng khoán như giảm chi phí, tăng trải nghiệm, mức độ gắn bó của khách hàng và tăng năng lực cạnh tranh.
"Trước đây, chúng ta thấy ngành ngân hàng luôn thận trọng với các xu hướng công nghệ mới nhưng chỉ một năm khi ChatGPT ra đời, HSBC, JP Morgan đã đưa GenAI vào các nền tảng của mình. Dự báo GenAI có thể đóng góp thêm giá trị của ngành ngân hàng toàn cầu từ 200-300 tỷ USD hàng năm. Ngành ngân hàng đang là một trong những ngành tiên phong trong lĩnh vực này." – Ông Hòa nói.
Cũng theo Chủ tịch của FPT IS, nhờ chuyển đổi số, có ngân hàng tăng hơn 2 triệu khách hàng mới trong năm nay, tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu tăng gần 50%. Bên cạnh đó, chuyển đổi số nói chung và tự động hóa nói riêng còn giúp kiến tạo các văn phòng làm việc xanh với việc giảm thiểu lượng giấy tờ cần sử dụng.
Theo số liệu từ nền tảng tự động hóa robot ảo akaBot của FPT IS, 60% lượng giấy tờ phải in và hồ sơ nhựa đã được giảm thiểu trong hơn 3.500 khách hàng doanh nghiệp của đơn vị, góp phần thúc đẩy làn sóng kinh doanh bền vững với giải pháp tài chính xanh.
Năm 2023 cũng chứng kiến các hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng trưởng, số lượng nhà đầu tư chứng khoán lên tới hơn 7 triệu tài khoản…. Nhiều công ty chứng khoán đã đưa big data, AI vào trong các hoạt động cho chính công ty và khách hàng.
Tuy nhiên, khi hoạt động chuyển đổi số trở thành một phong trào, nó sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực.
Theo ông Lưu Danh Đức, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), mặt không tích cực ở đây là sự đầu tư lãng phí nếu không chuyển đổi đúng. Các doanh nghiệp thường bị mắc vào một cái bẫy, là thực hiện chuyển đổi số nhưng chỉ quan tâm đến việc đầu tư vào số mà quên đi một nội hàm rất quan trọng của nó. Đó là chuyển đổi, chuyển đổi cách thức làm việc, cách thức kinh doanh, sản xuất, quản trị… Nói rộng hơn tức là chúng ta phải chuyển đổi cả tư duy, nếu không thì hoạt động chuyển đổi số sẽ không có ý nghĩa và nó không mang lại được những lợi ích của nó.
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch FPT IS, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn sẽ có một bức tranh tươi sáng hơn về sự hồi phục khi lạm phát dần được kiểm soát, các NHTW cắt giảm lãi suất, các nguồn vốn xanh sẽ được triển khai, thương mại toàn cầu hứa hẹn hồi phục trở lại.
Việt Nam vẫn sẽ là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới bởi sự năng động của Chính phủ, ổn định chính trị và nhiều lợi thế khác. Việt Nam đang đón đầu những xu hướng mới về dịch chuyển chuỗi sản xuất, mới đây nhất là ngành công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi xanh, về công nghệ như AI, block-chain, metaverse…
Ngoài ra sau thời gian dài chuyển đổi số, ngành tài chính ngân hàng đã tìm ra cách thức để nhanh chóng đưa công nghệ vào hoạt động của mình, siêu tự động hóa; Human- AI collaboration (hợp tác người máy để tăng hiệu suất công việc) sẽ là xu hướng chuyển đổi số chính trong 2024.
Đối với ngành chứng khoán Việt Nam – ông Hòa đánh giá - đang thực hiện chậm một chút so với ngành ngân hàng do tính đặc thù về chu kỳ và quy mô. Tuy nhiên ngành chứng khoán Việt Nam đang đặt ra mục tiêu nâng hạng từ thị trường Frontier lên Emerging, để đạt được mục tiêu đó thì ngành chứng khoán gồm cả cơ quan quản lý và các công ty chứng khoán đều cần phải chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường và cung cấp các sản phẩm mới.
Trong năm 2024, các ngân hàng đã dần hình thành xu hướng tự động hóa thông minh, bổ sung thêm "bộ não" cho các robot bằng cách kết hợp RPA với AI, giúp các robot đáp ứng được nhiều nhu cầu nghiệp vụ đa dạng và phức tạp hơn như: tự động nhận diện các tác vụ cần tự động hóa, ra quyết định tự động hóa…