Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giá vàng giảm không phanh, dòng tiền đầu tư sẽ chuyển dịch vào đâu?

CafeLand

Chưa đầy một tuần, giá vàng SJC đã giảm tới gần 13 triệu đồng mỗi lượng. Đà giảm của giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Liệu dòng tiền có chảy từ vàng sang các kênh đầu tư khác?

Hôm nay 5/6, giá vàng bán ra mà nhóm ngân hàng Big 4 công bố tiếp tục giảm xuống còn 76,98 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng điều chỉnh giảm trung bình 1 triệu đồng/lượng so với ngày hôm qua, xuống khoảng 76,5-78 triệu đồng/lượng.

Như vậy, nếu tính từ ngày 29/5 đến hôm nay, kể từ lúc NHNN thông báo bán vàng cho nhóm ngân hàng Big 4, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân, giá vàng đã giảm khoảng gần 13 triệu đồng/lượng.

Nếu so với mốc đỉnh lịch sử từng thiết lập vào hồi giữa tháng 5, giá vàng đã giảm tới 15 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng giảm không phanh, dòng tiền đầu tư sẽ chuyển dịch vào đâu?- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng SJC trong vòng 1 tuần qua. Chart: CAFEF.

Tương tự, cùng đà giảm của vàng SJC, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng lao dốc theo. Khảo sát ở thời điểm sáng nay, giá vàng nhẫn tròn trơn bán ra cũng giảm trung bình 100-200.000 đồng một lượng so với hôm qua. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh giá vàng về dưới mốc 75 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết 73,3-74,9 triệu đồng/lượng. Tiệm vàng Mi Hồng tại TPHCM điều chỉnh giá vàng nhẫn tròn trơn về mức 72,1-73,4 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,83-75,08 triệu đồng/lượng.

Giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm là nhận định của nhiều chuyên gia. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng trong nước còn giảm trong tuần này khi giá vàng bán ra của các ngân hàng Big 4 liên tục giảm.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng dự đoán, giá vàng SJC có thể về trở lại mốc 75 triệu đồng/lượng, chênh lệch với giá vàng thế giới 2-4 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh hợp lý.

Trước đó, chiều 4/6, ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối, NHNN cho biết: "Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC có thể sẽ còn giảm trong thời gian tới. Vì vậy, người dân cũng cần rất thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay".

Với đà giảm liên tục của giá vàng, liệu dòng tiền có dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, dòng tiền có thể chuyển dần từ vàng sang các kênh đầu tư khác như bất động sản nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang hồi phục trở lại.

Nếu như ở giai đoạn cuối năm 2023, nửa đầu năm 2024, giá vàng biến động liên tục khiến đây là kênh đầu tư hấp dẫn người dân cả về lợi nhuận, tính thanh khoản. Theo khảo sát, trong 5 tháng đầu năm, giá vàng đã tăng trung bình 20%. So với mức lãi suất gửi tiết kiệm 5%/năm, thị trường bất động sản còn biến động, rủi ro lớn thì vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá vàng liên tục lao dốc và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến nhà đầu tư sẽ cân nhắc và thận trọng khi xuống tiền. Thay vào đó, họ sẽ hướng tới tìm các kênh đầu tư khác có khả năng mang đến biên độ lợi nhuận tốt như bất động sản khi lãi suất cho vay cũng đã hạ nhiệt. 

Ở góc độ nhìn nhận khác, TS. Đinh Thế Hiển lại dự đoán, dòng tiền sẽ có xu hướng giữ và đổ vào kênh đầu tư lãi suất. Bởi nhà đầu tư cá nhân vẫn còn quan sát và chưa tin tưởng vào thị trường bất động sản sẽ tăng trong năm nay; còn kênh đầu tư chứng khoán thì khó thu hút nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ chùn tay với vàng, do xu thế giá vàng trong nước sẽ thu hẹp chênh lệch với thế giới. Điều đó có nghĩa là dòng tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng sẽ khó giảm; nếu có thì sẽ chuyển từ kỳ hạn này qua kỳ hạn khác; hoặc có sự dịch chuyển nhẹ từ ngân hàng này qua ngân hàng khác.


Đức Anh

Đức Anh