Giá vàng lên cao kỷ lục nhưng Warren Buffett vẫn nói ‘Không’: Đây là thứ tài sản không tạo ra giá trị!

Bất chấp lời chê bai từ Warren Buffett, người dân và các ngân hàng trung ương vẫn tích cực gom vàng.

Giá vàng lên cao kỷ lục nhưng Warren Buffett vẫn nói ‘Không’: Đây là thứ tài sản không tạo ra giá trị! - Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho hay trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông leo thang, giá vàng đã liên tiếp phá kỷ lục và điều này khiến cho nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett chẳng hài lòng.

Từ lâu, Warren Buffett đã nổi tiếng về quan điểm không thích vàng khi coi chúng là thứ chẳng sản xuất ra giá trị gì cả mà chỉ đơn thuần là phương tiện đầu cơ.

Nhà đầu tư huyền thoại này đưa vàng vào loại tài sản không hữu ích bởi chúng không tạo ra giá trị gì mà chỉ có lời khi người sau mua cao hơn người trước.

Không giống với cổ phiếu khi có cổ tức hoặc thúc đẩy lưu thông nguồn vốn cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, vàng chỉ nằm yên trong kho và khiến nhà đầu tư tốn thêm tiền phí trông coi.

Giá vàng lên cao kỷ lục nhưng Warren Buffett vẫn nói ‘Không’: Đây là thứ tài sản không tạo ra giá trị! - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng từ ngành công nghiệp và trang sức không đủ để sử dụng hết số vàng mà con người đang đào. Trong khi đó nguyên tắc đầu tư cơ bản của Warren Buffett là chỉ nên đổ tiền vào những thứ hữu ích, phục vụ mục đích và đáp ứng nhu cầu thiết thực của con người. Cùng là kim loại quý, nhưng ông thích bạc hơn. Theo ông, bạc có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y tế.

Ngoài ra, Buffett cho rằng giá trị của vàng tăng hay giảm đều dựa trên những gì người khác sẵn sàng trả cho nó, không phải dựa trên khả năng tạo ra thu nhập cho chủ sở hữu nên mang tính rủi ro cao.

Vàng là thứ vô dụng

Khoảng 40% sản lượng vàng được sản xuất ra hiện nay dùng cho việc tích trữ dưới hầm của các ngân hàng trung ương dưới dạng thỏi hoặc đồng xu. Với khả năng chống chịu oxy hóa tốt cũng như giữ được vẻ đẹp trong thời gian dài, nhất là yếu tố giữ được giá trị trong tương lai khiến vàng trở thành thứ tài sản hay được dùng để tích trữ nhất trong thời kỳ khủng hoảng.

Ngoài ra, khoảng 50% sản lượng vàng được sản xuất ra hiện nay dùng cho thị trường trang sức. Tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, vàng chủ yếu được dùng cho trang sức và các hộ gia đình cũng tích trữ kim loại quý này dưới dạng trang sức nhiều hơn là dạng thỏi hay đồng xu.

Bất chấp điều đó, tỷ phú Warren Buffett vẫn chẳng ưa thích gì thứ kim loại quý này.

Quay ngược trở lại năm 2009 khi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn trong cơn khủng hoảng và mọi người đổ xô vào những tài sản trú ẩn như vàng, nhà đầu tư Buffett đã thẳng thừng tuyên bố: "Điều duy nhất tôi có thể nói với bạn về vàng là rằng nó sẽ chẳng làm gì ngoài việc nằm im ở đó. Trái lại, những công ty như Coca Cola hay Well Fargo đang kiếm tiền và bạn có thể đổ tiền vào đó. Rõ ràng việc có một con gà đẻ trứng sẽ tốt hơn rất rất rất nhiều một con gà chẳng làm gì mà chỉ ngồi đó nhìn bạn, trong khi bạn phải tốn thêm tiền đóng bảo hiểm, lưu kho và cả đống chi phí khác".

Giá vàng lên cao kỷ lục nhưng Warren Buffett vẫn nói ‘Không’: Đây là thứ tài sản không tạo ra giá trị! - Ảnh 3.

"Vàng được đào ra từ các mỏ như ở Châu Phi, rồi chúng ta nung nóng chúng, tạo một cái khuôn, đúc nó thành hình và trả phí cho nhân viên đứng xung quanh để canh gác. Nó chả mang lại lợi ích gì cả. Bất cứ người ngoài hành tinh nào nhìn thấy cảnh này chắc cũng cảm thấy khó hiểu", tỷ phú Warren Buffett bổ sung.

Theo Buffett, việc đổ tiền vào những tài sản mang tính bảo hiểm như vàng, trang sức… sẽ tốn thêm chi phí bảo quản cũng như hạn chế tính thanh khoản. Tệ hơn, lợi nhuận mà bạn kiếm được phụ thuộc hoàn toàn vào việc giá các tài sản đó tăng hay giảm mà không làm chủ được tình hình.

"Nếu bạn sở hữu 1 ounce vàng thì cuối cùng chúng vẫn chỉ là 1 ounce vàng đấy mà thôi", Warren Buffett nói.

Câu chuyện thời khủng hoảng

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi nền kinh tế khủng hoảng lan rộng và các nhà đầu tư nháo nhào tìm nơi trú ẩn.

Nghe đến đây có lẽ một số người sẽ thắc mắc, bởi chẳng lẽ nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men... mới là thứ mọi người phải tích trữ trong thời buổi rối ren hay sao?

Trên thực tế, câu chuyện tích trữ vàng diễn ra khi nền kinh tế chưa đến mức sụp đổ và các nhà đầu tư chỉ đơn giản tìm nơi trú ẩn cho tài sản không bị mất giá. Bởi vậy họ không cần tích trữ những thứ vẫn có khả năng mua được bằng tiền trong tương lai.

Đặc biệt hơn, vàng được cho là tài sản chống chịu tốt với lạm phát.

Giá vàng lên cao kỷ lục nhưng Warren Buffett vẫn nói ‘Không’: Đây là thứ tài sản không tạo ra giá trị! - Ảnh 4.

Kể từ thập niên 1970 đến nay, giá vàng luôn theo chiều hướng đi lên nếu tính cả lạm phát. Dù có chững lại trong thập niên 1990-2000 thì vẫn cao hơn so với các thời kỳ giảm giá trước đó.

Trên thực tế, rất nhiều kho dự trữ ngoại hối trên thế giới đã giảm tích trữ đồng USD và mua vào vàng. Tỷ lệ dự trữ đồng USD trong kho dự trữ 10,7 nghìn tỷ USD ngoại hối của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm từ 65% xuống dưới 62% trong thời kỳ Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền.

Tại Nga, Ngân hàng trung ương nước này cũng đã giảm tỷ lệ đồng USD trong kho dự trữ ngoại hối xuống còn 22% và mua mạnh vào vàng.

Trong năm 2019 trước khi đại dịch diễn ra, lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng 74%, đạt mức cao nhất kể từ năm 1971.

Rõ ràng, các ngân hàng trung ương cũng không đồng tình hoàn toàn với quan điểm của Buffett.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT