Giá vàng nhẫn tròn trơn giảm liên tục, cơ hội mua vào xuất hiện?

Liên tục giảm trong nhiều ngày, đến hôm nay, giá vàng nhẫn tròn trơn chỉ còn bán ra xoay quanh mốc 75 triệu đồng/lượng. Liệu đây có phải cơ hội để nhà đầu tư mua vào?

Đến sáng nay ngày 4/5, giá vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ khoảng 60-100 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên ngày hôm qua. Cụ thể, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn hiện niêm yết ở mức 73,62-75,22 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết 73,1-74,9 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI áp dụng mức 73,7-75,3 triệu đồng/lượng.

Trong một tuần qua, giá vàng nhẫn tròn trơn liên tục giảm, từ mốc hơn 76 triệu đồng về còn khoảng 75 triệu đồng mỗi lượng bán ra. Giá mua vào nhẫn tròn trơn cũng giảm từ vùng 74,7 triệu về 73,6 triệu đồng/lượng. 

Nếu so với mốc lập đỉnh ngày 10/4, giá vàng nhẫn tròn trơn hiện đã giảm 3,56 triệu đồng ở chiều bán ra và 2,46 triệu đồng ở chiều mua vào mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn tròn trơn giảm liên tục, cơ hội mua vào xuất hiện?- Ảnh 1.

Giá vàng nhẫn tròn trơn niêm yết tại Bảo Tín Minh Châu.

Mặc dù giá vàng nhẫn tròn trơn đang trong đà giảm song một số chuyên gia cho rằng, người mua vàng nhẫn tròn trơn nên cẩn trọng khi xuống tiền. Bởi chênh lệch giá vàng mua vào và bán ra tại các doanh nghiệp rất cao, hiện dao động quanh mức 2 triệu đồng, thậm chí có thời điểm, chênh lệch giá vàng mua vào và bán ra lên tới gần 3 triệu đồng. 

Đơn cử như, nếu người mua vàng vào ngày 2/5 với giá 75,18 triệu đồng/lượng và hôm nay bán ra với giá 73,62 triệu đồng thì đã lỗ 1,56 triệu đồng. Hay trong trường hợp nhà đầu tư mua vào ngày hôm nay sẽ phải trả 75,22 triệu đồng/lượng và muốn bán chốt lời thì phải chờ giá quay về đỉnh cũ như ngày 10/4.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhẫn tròn trơn là kênh đầu tư mà người dân Việt Nam chuộng mua để tích sản. Bởi với tài chính vài triệu đồng, người dân đã có thể mua được từ nửa chỉ đến 1 chỉ. Đây cũng là loại hình dễ thanh khoản, lợi nhuận tốt. 

Nhưng ông đồng thời chỉ ra rằng, hiện nay đầu tư vào nhẫn tròn trơn rủi ro do chênh lệch giá vàng mua vào và bán ra cao. Theo ông Hiếu, chênh lệch quá cao đồng nghĩa nghĩa các đơn vị kinh doanh vàng đang đẩy rủi ro cho người mua vàng. Khi nhà đầu tư quyết định mua vào sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp và rủi ro thua lỗ là rất lớn khi quyết định "lướt sóng".

Đức Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT