Giải mã Hòa Phát: Vay nợ và tồn kho tăng vọt nhưng lợi nhuận cao gấp 7,5 lần cùng kỳ?
Doanh thu và lợi nhuận Hòa Phát giảm nhẹ so với quý 4/2023, trong bối cảnh sức tiêu thụ của thị trường suy yếu, nhưng vẫn tăng mạnh nếu so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2024, với doanh thu thuần đạt 30.852 tỷ đồng, tăng 16% so với quý 1/2023. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.869 tỷ đồng, lớn gấp 7,5 lần cùng kỳ.
Nhóm Thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp lần lượt 93% và 85% cho doanh thu lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn. Nông nghiệp đứng thứ hai về doanh thu với 5% tỷ trọng. Với lợi nhuận sau thuế, vị trí này thuộc về nhóm ngành Bất động sản với 9% trong lợi nhuận sau thuế hợp nhất.
Các lò cao chạy hết công suất, nhưng tiêu thụ giảm so với quý trước
Trong quý 1, Hòa Phát đã sản xuất 2,1 triệu tấn thép thô, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả các lò cao của Khu liên hợp Hải Dương và Dung Quất hiện tại đang chạy gần như hết công suất. Tổng sản lượng thép xây dựng, phôi thép và HRC cung cấp cho thị trường quý này đạt 1,85 triệu tấn, giảm nhẹ so với quý 4/2023 nhưng đã tăng 34% so với quý I/2023.
Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát đạt 956.000 tấn, tăng 10%, thép cuộn cán nóng đạt 805.000 tấn, tăng 67% so với 3 tháng đầu năm ngoái. Thị phần thép xây dựng vẫn duy trì vị thế dẫn đầu với 37%. Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp trên 87.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam và phục vụ xuất khẩu.
Ống thép Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 131.000 tấn trong quý 1/2024, giảm 18% so với 3 tháng đầu năm 2023. Tôn mạ các loại đạt sản lượng 98.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ 2023, trong đó lượng tôn xuất khẩu 3 tháng qua tăng trưởng mạnh, đóng góp tới hơn 61.000 tấn.
Mặc dù hoạt động đầu tư công, đặc biệt là lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường thép xây dựng Việt Nam trong quý 1/2024 vẫn chứng kiến sự sụt giảm 20% về sản lượng tiêu thụ so với quý 4/2023 do thiếu đi nguồn động lực đến từ thị trường bất động sản với cầu yếu về thép dân dụng cũng như các dự án phát triển bất động sản, kết hợp với yếu tố mùa vụ do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát quý này cũng vì thế cũng giảm xuống so với quý trước.
Khác với thép xây dựng, mặt hàng thép cuộn cán nóng, sản phẩm chủ lực thứ hai của Hòa Phát có đặc thù là bán thành phẩm, là đầu vào cho đa dạng ngành sản xuất. Điều này giúp cho sản phẩm thép cuộn cán nóng có mức độ rủi ro thị trường thấp hơn do không quá phụ thuộc vào một số ít thị trường tiêu thụ nhất định. Sản phẩm này hiện vẫn đang được tiêu thụ rất tốt tại nhiều thị trường, bao gồm cả nội địa và xuất khẩu tới gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nâng doanh thu xuất khẩu của Tập đoàn lên 40% tổng doanh thu hợp nhất. Hòa Phát hiện tại đang chạy hết công suất của nhà máy cán QSP - sản xuất thép cuộn cán nóng.
Giá thép xây dựng thị trường Việt Nam đã tăng từ tháng 11/2023, kéo dài đến tháng 1/2024 và bắt đầu có một vài nhịp điều chỉnh giảm vào cuối quý 1/2024. Giá thép cuộn cán nóng đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm đầu năm, cùng với sự ổn định trong sản lượng tiêu thụ của sản phẩm này là động lực tăng trưởng doanh thu của Tập đoàn trong quý này, bù đắp một phần cho sụt giảm về doanh thu của sản phẩm thép xây dựng.
Giá nguyên vật liệu không có quá nhiều biến động lớn trong quý 1/2024. Việc vận hành đầy đủ lò cao trong quý này cũng giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí khấu hao trong giá thành đơn vị của sản phẩm so với thời điểm trước. Đặc biệt từ quý 4/2023, khu liên hợp Dung Quất của Hòa Phát đã đạt được năng lực tự chủ hoàn toàn về điện, hạ đáng kể chi phí năng lượng trong giá thành của các loại sản phẩm thép được sản xuất ra.
Vay nợ tăng vọt nhưng chi phí tài chính giảm
Lãi suất VNĐ đang được duy trì ở mức cạnh tranh trong khi ở chiều ngược lại, giá vay USD vẫn rất cao do FED giữ nguyên quan điểm thận trọng cho mục tiêu kiềm chế lạm phát và kéo dài thời gian chờ cho nhịp hạ lãi suất tiếp theo, bỏ qua những kỳ vọng của thị trường. Việc quản trị tốt cấu trúc hạn mức cho phép Hòa Phát linh hoạt trong điều chỉnh cơ cấu vay ngoại tệ và giảm bớt mức độ phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài trong thời điểm chi phí vốn USD cao và rủi ro tỷ giá lớn, tận dụng được nguồn vốn trong nước với giá cạnh tranh hơn.
Do đó, mặc dù dư nợ vay của Hòa Phát tăng lên nhiều so với thời điểm cuối năm do hoạt động mua sắm vật tư và giải ngân cho dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, chi phí lãi vay đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Quý 1/2024, Hòa Phát ghi nhận tổng chi phí tài chính 1.061 tỷ đồng, giảm 6% tương ứng 66 tỷ so với quý 4/2023. Sau khi bù trừ với lãi chênh lệch tỷ giá, chi phí tài chính còn lại khoảng 737 tỷ, giảm so với 795 tỷ của quý trước, trong đó phần lớn được giải thích bởi chi phí lãi vay giảm 11%, tương ứng 77 tỷ từ 711 tỷ xuống còn 636 tỷ.
Tồn kho cũng tăng mạnh
Hàng tồn kho tại 31/03/2024 của Hòa Phát tăng hơn 8.200 tỷ so với cuối năm 2023 được giải thích bởi hai yếu tố chính bao gồm tồn thành phẩm tăng và phần còn lại đến từ lượng lớn vật tư đã mua sắm để dùng cho hoạt động xây dựng cơ bản của dự án mới đang được phản ánh chung vào khoản mục nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ.
Về yếu tố thành phẩm, năng lực tiêu thụ của thị trường được phản ánh rõ rệt vào cơ cấu hàng tồn kho của Hòa Phát khi số dư thành phẩm tăng lên đáng kể, khoảng hơn 3.720 tỷ, trong đó có phần khá lớn của thép xây dựng, giải thích cho một nửa mức tăng của tổng giá trị hàng tồn kho. Số ngày tồn thành phẩm nhích lên 42 ngày vào quý này. Tỷ trọng thành phẩm tăng từ 25% lên 29% trong tổng cơ cấu.
Số dư nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ, sau khi loại trừ gần 6.400 tỷ vật tư phục vụ cho hoạt động xây dựng cơ bản của Dự án KLH Dung Quất 2 (chiếm tỷ trọng 15% tổng hàng tồn kho Tập đoàn), thì phần còn lại, bao gồm nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ phục vụ cho hoạt động của các nhà máy đang được duy trì ở mức rất ổn định. Tuy tổng tồn kho sản xuất tăng lên, nguyên vật liệu vẫn được siết chặt như những quý trước. Số ngày nguyên vật liệu giữ ở mức thấp 62 ngày. Tỷ trọng nhóm tồn kho này trong tổng cơ cấu hạ xuống từ 59% xuống 43%.
Như vậy, ngược lại với việc tồn thành phẩm tăng do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài do cầu tiêu thụ, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất đang tiếp tục được kiểm soát đặc biệt chặt chẽ phản ánh năng lực quản trị nội tại bên trong của Hòa Phát. Việc duy trì chính sách thắt chặt mua nguyên vật liệu đã được duy trì nhất quán trong suốt hai năm trở lại đây, trước hết giúp nâng cao khả năng ứng biến của Tập đoàn trước biến động về giá nguyên vật liệu, đồng thời làm dịu bớt áp lực vốn lưu động và chi phí vốn vay ngắn hạn.